Press "Enter" to skip to content

3 “cái bẫy” mà lãnh đạo trẻ dễ mắc phải và cách khắc phục

Một lãnh đạo giỏi cần phải biết cách giao tiếp và quản lý công việc để đảm bảo nhân viên có điều kiện phát triển và bộ máy công ty hoạt động trơn tru, hài hòa. Vì vậy, có rất nhiều người là nhân viên xuất sắc nhưng lại gặp khó khăn khi được giao nhiệm vụ quản lý.

Karen Schneider, cây bút của tạp chí The Daily Muse, từng là một người như vậy. Cô phải mất một thời gian dài, và trải qua nhiều thất bại thì mới rút ra được bài học cho mình.

Sau đây, cô sẽ chia sẻ 3 tình huống khó khăn mà cô gặp phải khi mới lên làm quản lý, và cách cô đã vượt qua chúng:

1.    Thất bại trong việc thiết lập ranh giới
Vì tôi quen biết cũng như chơi thân với hầu hết mọi người trong công ty, tôi đã nghĩ đây sẽ là một yếu tố tích cực. Tuy nhiên, tôi đã sớm nhận ra rằng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh từ những mối quan hệ như thế sau khi tôi chứng kiến một nhân viên của mình cười cợt khiếm nhã với mọi người trong một cuộc họp. 

Cách khắc phục
Tôi phải đối mặt với hai lựa chọn: một là là tán thành với thái độ đó của anh ta, hai là lên tiếng nhắc nhở và chấp nhận nguy cơ làm tổn hại đến tình bạn giữa tôi và nhân viên. Tôi đã cân nhắc các lựa chọn và quyết định lên tiếng nhắc nhở hành vi không phù hợp đó. Bài học rút ra là hình tượng ông chủ thân thiện có bị đánh mất thì cũng không quan trọng bằng việc duy trì một môi trường làm việc chuyên nghiệp, và sự tôn trọng của nhân viên với người quản lý.

2.    Không giao công việc cho mọi người
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng một trong những thách thức lớn nhất đối với một người từ hàng nhân viên lên hàng quản lý là họ sẽ có một đội ngũ nhân viên chờ đợi chỉ thị của họ. Tôi thường xuyên trong trạng thái làm việc cật lực, vậy nên tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải giao công việc mà tôi vốn có thể làm tốt cho một người khác. Sự không sẵn lòng ấy đã khiến tôi có lúc ở lại công ty làm việc đến tối khuya.

Cách khắc phục
Để bắt đầu, hãy nói chuyện riêng với từng nhân viên của bạn về công việc họ phụ trách, cách thức họ thực hiện công việc và mong muốn của họ. Sau đó hãy so sánh với danh sách công việc của riêng bạn. Công việc nào bạn không có thời gian để làm? Ai có thể làm tốt công việc đó hơn? Thói quen nào trong quá khứ gây khó khăn cho bạn trong việc quản lý?

Hãy trung thực với khả năng của bản thân cũng như lượng công việc bạn có thể đảm nhiệm, và đừng e sợ với việc giao những công việc bạn từng phụ trách cho người khác. Khi bạn tìm thấy được sự cân bằng, cả đội ngũ của bạn sẽ đều có thể hoàn thành công việc và rời văn phòng đúng giờ. 

3.    Không đánh giá một cách nghiêm túc
Không ai thích phải đối đầu với nhau cả,nhưng trên cương vị là một người quản lý, trách nhiệm của bạn là xem xét và đánh giá nhân viên ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Khi còn là nhân viên, bạn chỉ cần ưu tiên cho chính là bản thân bạn, nhưng khi đã thành quản lý, bạn sẽ phải quản lý từng nhân viên.

Cách khắc phục
Một phần việc quan trọng của người quản lý chính là đưa ra những nhận xét, đánh giá. Điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn đưa ra những nhận xét nghiêm khắc, khó tính. Bạn có thể sắp xếp gặp mọi người hàng tuần để vừa đưa ra những lời khen đồng thời chỉ ra các vấn đề còn tồn đọng. Điều đó sẽ giúp bạn đỡ căng thẳng hơn và việc đánh giá cũng không còn trở nên đáng sợ nữa.

Chú ý giữ những nhận xét của mình ngắn gọn và rõ ràng. Và dù bạn có đang phê bình một ai đó, cũng không nhất thiết phải thể hiện sự gay gắt trong lời nói và hành động của mình. Bạn có thể chỉ ra hậu quả của sai lầm đó thay vì tập trung phê phán cá nhân người đó. 

Một sai lần tôi từng mắc phải là tôi chỉ quan tâm đến thành công của bản thân mình. Nhưng tôi đã sớm nhận ra phần lớn thông điệp tôi đưa ra cho nhân viên chỉ xoay quanh bản thân tôi. Nhưng khi bạn là một quản lý, bạn sẽ phải nhớ rằng không chỉ có bạn mới xứng đáng được chú ý và ghi nhận.

Vậy nên điều tốt nhất bạn có thể làm cho nhân viên của mình là nuôi dưỡng, phát triển tài năng của họ và tìm hiểu về mục tiêu và động lực của họ. Khám phá xem điều gì làm họ chú ý và hãy luôn cởi mở với những đề xuất của họ. Bằng cách này, bạn có thể giúp họ thành công và cũng chính là giúp bạn thành công. 

Nguồn: Businessinsider/ Việt hóa bởi freelancerViet