Trong PR có các phần chuyên sâu về “ý tưởng dự án”, “dự báo rủi ro” có thể xảy ra và “giải quyết khủng hoảng”, “truyền thông có hiệu quả”. Chính vì vậy, là PR hay freelance PR thì đều phải được đào tạo bài bản.
Với các khối: A, C, D, các trường Đại học thi tuyển ngành này: Khoa Báo chí và Truyền thông ĐH KHXH&NV (TP.HCM và Hà Nội), Khoa Quan hệ Công chúng và Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội).
Các trường xét tuyển NV2 như: Khoa PR – Quan hệ công chúng của ĐH Văn Lang (TP.HCM), khoa Quan hệ công chúng của ĐH Đại Nam, ĐH Hòa Bình (Hà Nội).
Những trung tâm đào tạo ngắn hạn (3 – 6 tháng) như: Khoa Thương mại – Du lịch ĐH Kinh tế (TP.HCM), Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam (ARTI VN),…
Lăn xả ngay từ năm đầu tiên
Thanh Ngọc được cô Hoàng Vy (giảng viên môn PR trường ĐHKHXH&NV) và cô Lục Vũ Hoài (giảng viên môn PR – Tổ chức sự kiện của khoa PR trường ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Người làm PR thật sự là người rất đa năng. Trước khi trở thành PR giỏi, bạn phải là một siêu “biết tuốt”, từ kỹ năng “cứng” (khung và ý tưởng dự án) đến kỹ năng “mềm” (cách xử lý tỉ mỉ trong khi thực hiện dự án)”.
Cô Vũ Hoài bắt bí T.Ngọc: “Trong event ca nhạc, em làm gì nếu như ca sĩ bị sự cố (rách) trang phục ngay chỗ “nguy hiểm”?”. Mọi phương án: Đưa vũ công ra múa, MC ra thay thế, dùng đạo cụ… đều sai. Câu trả lời là dùng ánh sáng nhấp nháy, mờ ảo để cứu nguy
=> Làm PR, bạn phải thật tinh tế và nhạy cảm khi xử lý tình huống. Mắt phải căng ra theo dõi, quan sát trên từng cen-ti-mét. Khăn bàn bị lệch, hàng ghế chưa ngay ngắn, cái bóng đèn bị khét… khách hàng sẽ phản ứng ngay.
Thanh Tú (sinh viên năm 2, khoa Báo chí trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) bật mí: “Bạn nên nắm vững: Kỹ năng xây dựng thương hiệu, marketing, tính toán khuyến mãi cho khách hàng, PR in house (gây dựng mối quan hệ trong nội bộ “làng” PR), xin tài trợ. Xin làm CTV part-time lấy kinh nghiệm, mối quan hệ với báo giới, các nhà tài trợ cũng là cách hay. Bí kíp cho CV: Chứng tỏ niềm đam mê mãnh liệt của một PR-er, bạn sẽ được nhận!”.
Bí kíp để tổ chức sự kiện thành công
Được “truyền lửa”, Ngọc khoe ngay về ngày hội sách sắp tới của trường và thắc mắc về cách liên hệ với nhà tài trợ
=> Thanh Tú tư vấn: “Nhà tài trợ phải có liên quan đến chương trình. Tổ chức hội sách em phải tìm đến nhà xuất bản sách, hoặc công ty, đoàn thể, tổ chức có liên quan, hứng thú với sách, liên hệ công ty mỹ phẩm hay công ty nữ trang là bị từ chối ngay đó”.
“Có lần tụi em tổ chức prom rất hoành tráng. Mọi thứ chuẩn bị hết: Khung chương trình, ca sĩ, thiết kế sân khấu, âm thanh, vé cũng đã in và bán hết sạch… Chỉ còn một ngày là diễn, đùng một cái trường quyết định không cho làm nữa, bể show, lỗ quá chừng luôn”, Ngọc kể.
Cô Hoàng Vy chỉ cách giải quyết: “Event nào cũng có dự báo rủi ro và giải quyết khủng hoảng. Trong trường hợp này, sự cố xảy ra không phải tất cả lỗi sai thuộc về BTC nhưng BTC vẫn phải xin lỗi khách hàng + trả tiền vé + chịu lỗ những phần tiền đã chi.”
MỘT FREELANCER PR CẦN PHẢI CÓ
Cô Hoàng Vy cho biết: “Có hai dạng freelancer PR: Một là những CTV, trợ lý theo kiểu part-time; hai là dạng có kinh nghiệm và có “tiếng tăm” trong làng PR và được mời phụ trách đứng đầu toàn bộ event. Thậm chí các freelancer PR thuộc hàng “pro” còn có cả đội ngũ CTV hùng hậu đứng sau mình”.
Cô Vũ Hoài chia sẻ thêm: “Công việc tuy thoải mái về thời gian nhưng không bao giờ nhàn nhã. Cát-sê càng cao, trách nhiệm càng nhiều, áp lực càng nặng nhưng làm được rồi thì niềm đam mê sẽ tăng lên ngùn ngụt”.
Bạn có thể tìm hiểu thêm qua cuốn “Introduction to Marketing Communications” (giới thiệu về truyền thông) hoặc các đầu sách có liên quan đến PR. Điều không thể thiếu với một PR “pro” chính là giao tiếp thành thục ít nhất 2 ngôn ngữ, biết “F5” chính mình để có những ý tưởng hoàn hảo.
Lời khuyên cho một freelancer PR là: Nên có một nơi làm việc cố định rồi kiêm thêm cả freelancer để chống “ế ẩm” nhé!
(FreelancerViet.vn sưu tầm)