Press "Enter" to skip to content

“Nghệ thuật Marketing” đường phố các Freelancer có biết?

Với mong muốn thu hút khách hàng cũng như cạnh tranh với các gian hàng khác, người bán hàng luôn phải suy nghĩ và tìm ra chiến lược kinh doanh hiệu quả vì thế Marketing ra đời. Không cần qua trường lớp đào tạo bài bản, người bán vẫn có thể làm Marketing cho chính gian hàng của mình bằng các hình thức khác nhau. Vậy họ làm như thế nào?
 
Minh chứng rõ ràng nhất chính là các gian hàng lưu động buôn bán trên các vỉa hè hay lề đường đông đúc. Họ dùng cách “đánh” vào tâm lý của người mua, giá càng rẻ càng dễ dàng thu hút sự chú ý. Ta có thể dẫn dụ: Với cùng một loại trái cây ở điểm A giá ghi là 8000 đồng, ở điểm B là 16000 đồng, người mua dễ hiểu ngầm đây là giá của 1kg sản phẩm. Điểm khác biệt bên chính là A thêm “½” rất nhỏ sau giá tiền còn bên B thì không; nếu không quan sát kỹ dễ khiến người mua hiểu nhầm A rẻ hơn B trong khi cả hai cùng một giá. Đó là một trong những cách thu hút khách hàng chú ý đến sản phẩm hiệu quả. Trong tiếng Anh cách này được gọi là Cunning Marketing.
 
 
Một “chiêu thức” tương tự, với những mặt hàng chất lượng không tốt hoặc sắp hết hạn sử dụng, người bán sẽ để riêng và giá cả sẽ thấp hơn những hàng chất lượng cao cùng loại. Để thanh lý nhanh chóng và thu hút khách đến gian hàng, người bán sẽ treo bảng hiệu với giá thấp của mặt hàng kém chất lượng. Mọi người dễ bị nhầm lẫn giá mặt hàng chất lượng được trưng bày.
 
Hiện trạng ấy cũng dễ thấy tại những Shop quần áo trong địa bàn các quận, huyện ở thành phố. Nhằm đánh lừa thị giác của khách hàng, người chủ thường tung ra nhiều kiểu sale ăn theo những ngày kỷ niệm hay lễ lộc. Với các mặt hàng tồn hay sắp không hợp thời được sale từ 5% đến dưới 50%; bảng sale được trưng ra với số 50% được in rất to trong khi đó “up to” thì rất nhỏ. Người mua khi vào shop sẽ rất khó tìm thấy những loại được giảm 50% hoặc nếu có thì chỉ là những loại đã lỗi thời.
 
 
 “Tiền nào của đó” – không hẳn nhiên câu nói ấy ra đời, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người tiêu dùng vì ham của rẻ nên dễ “mắc bẫy” người bán. Do đó, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh và sử dụng hiệu quả đồng tiền của chính mình.
 
Qua các “chiêu thức” marketing kể trên, ta thấy được hiệu quả Marketing chỉ trong thời gian ngắn. Vì khi mọi người đã “lật bài” chiêu marketing đó thì người mua sẽ giảm dần hoặc cho rằng người bán đang cố tình lừa họ. Đó chính là kết quả tất yếu của những người kinh doanh chỉ suy nghĩ đến lợi nhuận trước mắt. Và Cunning Marketing được xem là cách sáng tạo thông minh tức thời của người Việt trong ngành nghề của mình.
 
Trái lại, việc vận dụng sáng tạo của người Việt được áp dụng để xây dựng hình ảnh riêng cho chính nghề của mình. Tiêu biểu là những biểu tượng gắn liền với đời thường như cục gạch với cái phểu giấy, giúp người qua đường hiểu tại đây bán lẻ xăng, hoặc những vỏ xe và thau nước, mọi người có thể an tâm có chỗ vá xe khi không may thủng lốp. Đó là những biểu tượng rất quen thuộc của người Sài Thành.
 
 
Định vị sản phẩm là công việc cần làm trong một thị trường cạnh tranh, nơi có quá nhiều sản phẩm phải cạnh tranh gay gắt để dành sự chấp nhận mua hoặc sử dụng của khách hàng. Với Cunning Marketing, định vị ngôn từ thành công vào tâm trí người mua; vì thế mọi người sẽ không tin vào giá đề bảng của các xe bán hàng. Chính là vô tình các gian hàng lưu động đã tạo định vị tiêu cực cho bản thân. Trong khi, chỗ bán lẻ xăng và vá xe được định vị bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh mà hiệu quả bất ngờ.
 
Nhìn lại lý thuyết về định vị ngôn từ và hình ảnh và được thấy sức mạnh của nó. Ngôn từ và hình ảnh hai vũ khí vô hình đi vào tâm trí người tiêu dùng; nên sự lựa chọn là do doanh nghiệp hoặc chiến lược mà nhà Marketing thực hiện. Chúng ta không phủ nhận sức mạnh ngôn từ đã đi sâu vào tâm trí khách hàng; ví dụ: “mọi lúc mọi nơi” mọi người sẽ nhớ đến Mobifone và “hãy nói theo cách của bạn” của Viettel. Nhưng cũng không tự nhiên mà cuốn sách “Visual Hammer” (chiếc búa hình ảnh) của marketer Laura Ries ra đời để đóng ghim vào tâm trí người tiêu dùng bằng hình ảnh. Những thương hiệu thành công từ chiếc búa của mình tiêu biểu trong ngành fastfood như Mc Donald’s là chữ M màu vàng – nó có tên là cánh cổng vàng (Golden Arches) to lớn được gắn trên nóc nhà hàng Mc Donald’s trên khắp thế giới. Với KFC, hình ảnh là đại tá Salder – người sáng lập thương hiệu gà rán này.
 
Ngoài ra, những thương buôn cũng có chiêu sáng tạo để làm dấu hiệu nhận biết. Hình ảnh độc đáo và ấn tượng chợ ở miền tây là chợ nổi. Cách thức “bẹo hàng” của người bán (bán gì thì treo sản phẩm ấy lên sào cắm trước ghe). Sự đặc biệt của chợ nổi còn trở thành nét văn hoá thu hút khách du lịch nhớ đến hình ảnh miền Tây.
 
 
Nói chung, định vị sản phẩm cần xem xét phương thức ngôn từ hay hình ảnh cho phù hợp. Vì mỗi cái đều có sức mạnh riêng của nó, nhưng thường thành công là hình ảnh; điều mà các thương hiệu Việt còn ít sử dụng.