Điều tôi muốn chia sẻ hôm nay liên quan đến một vấn đề mà “Brand thủ” nào cũng phải gặp nhưng lại có rất ít người chú ý hay biết họ nên làm những gì? Điều đó là gì ư? Đánh giá một mẫu thiết kế (design) như thế nào là tốt?
Nào tôi dám cá rằng người mỗi người “Brand thủ” ở đây đều đã trải qua một lần làm điên đầu các designer của agency. Không sao! không sao! tôi cũng đã từng có những lần như vậy. Nhưng bạn biết đấy. Có một sự khác nhau không nhỏ giữa việc bạn “hành hạ” agency với việc bạn có một cái nhìn khách quan và đóng góp ý kiến một cách mang tính xây dựng để thiết kế của bạn trở nên tốt hơn.
Bài này sẽ không nhằm hướng dẫn các bạn biết như thế nào là design đẹp. Nhưng nó sẽ giúp sắp xếp luồng suy nghĩ của bạn trật tự hơn để feedback các bản thiết kế sao cho agency vừa phục, mà design đó cũng mang về lợi nhuận cho brand mình.
Trước khi chúng ta đi vào cách đánh giá và nhận xét (feedback) các mẫu thiết kế. Hãy dành vài phút để điểm lại một số mối mâu thuẫn gần như là trường kì giữa client và agency.
Agency, hay chính xác là bạn designer của agency luôn tự hào là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Cậu ta chắc hẳn đã tốn rất nhiều tiền để học thiết kế, thời gian để trao dồi các kĩ năng liên quan, và tất nhiên phải mất bao nhiêu công sức để tạo ra một portfolio thuộc hàng “khủng” để có thể được tuyển vào agency làm việc cho bạn.
Không những như thế, nếu agency làm cho bạn thuộc hàng “lừng danh” thì trước khi mẫu thiết kế đó được gửi vào hộp inbox của bạn thì nó đã qua một vòng của creative director/ manager bên agency rồi. Và ông creative director này chắc hẳn là profile còn khủng gấp mấy lần bạn designer kia. Gần như các định luật bất biến về mỹ thuật, tỉ số vàng, và những cấu trúc của vũ trụ như nằm gọn trong bàn tay của ông ấy.
Và sau những gì tôi nêu ở trên, bạn hay bất cứ “brand thủ’ nào có còn đủ tự tin để nói với họ rằng: “tôi nghĩ sản phẩm này nên dịch về phía tay trái một chút” không ?:)
Ý của tôi là: đôi khi, một số “Brand thủ” trong chúng ta cảm thấy quá phấn khởi trong việc tham gia vào khâu thiết kế. Và một bộ phận không nhỏ thậm chí đủ tự tin để trở thành một design director. Mặc dù làm brand, việc đóng góp ý kiến là chính đáng. Nhưng cho tôi chỉ ra tại sao việc feedback quá tỉ mỹ và độc đoán sẽ có hại như thế nào.
- Bạn không đủ kinh nghiệm làm design. Vâng, trong nền kinh tế tư bản với cơ chế phân công lao động làm chuẩn mực thì việc bạn làm thay công việc không phải chuyên môn của mình là không nên. Như những lý do tôi đã nêu ở trên. Đừng ! =)
- Agency sẽ không phục bạn. Đây là trường hợp cho những câu feedback độc đoán hay chung chung như “dịch qua phải, dịch qua trái”…Cậu ơi! Họ biết họ đang làm gì mà. Và nếu như chúng ta dấn quá sâu vào nghề nghiệp của họ trong khi mình không có kĩ năng thì khó mà làm họ vui vẻ sửa được. Họ sẽ làm theo ý bạn đấy nhưng họ sẽ không vui đâu. Với lại hãy nghỉ xem nào. Nếu họ không chỉ bạn cách làm brand, thì bạn cũng đừng nên bắt họ tuân theo khiếu thẩm mỹ của riêng mình.
- Làm xấu design. Thật vậy. Với những điều tôi nêu ở trên. Tôi đã thấy nhiều design, ngay cả tôi cũng bị, sau khi qua nhiều vòng tham vấn của client thì trở nên xấu đi và cứng ngắt. Vì vậy, cho phép tôi nhắc bạn một lần nữa. Đừng làm design director:)
Với những điểm trên. Chắc hẳn bạn đang thắc mắc. Vậy tôi phải làm gì để feedback cho đúng? Làm sao để vừa có design đẹp, đúng ý mình, mà designer team cũng vui vẻ sửa lại design theo ý bạn? Để tôi bày cho qui luật sau nhé
A.B.C là quy tắc nhận xét design của chính tôi. Accurate. Beautiful. Consistent. Cho phép tôi đi kĩ hơn như sau.
1. Accurate:Là đúng brief, đúng objective mà bạn muốn cho design ban đầu. Là client bạn không nên quan tâm rằng designer sử dụng những thủ thuật design nào để đẹp. Hãy quan tâm là design đó có đúng với objective của bạn hay không. Hãy nhìn vào bức tranh tổng thể, đừng nhìn vào những chi tiết chi ly.
Tôi lấy ví dụ: Mục tiêu của bạn là một banner quảng cáo cho chương trình khuyến mãi của mình. Nào khi designer gửi cho bạn thiết kế đầu tiên. Hãy chú ý về mục tiêu trên khi nhận xét design đó:
Câu tagline + thông điệp truyền tải: đây là banner nên chắc chắn cần một câu tagline phải không nào ? Nó đã đủ to chưa ? Lần đầu bạn nhìn vào bạn có chú ý đến nó đầu tiên không ? Đọc vào bạn thấy nó dễ hiểu chứ ? –> Nếu những yếu tố trên là đủ thì design ok như brief. Đừng ! nói designer phóng to hơn chút xíu, hay nhỏ đi chút xíu, cũng đừng kêu họ dời một tí qua phải, hay qua trái. Họ đã làm đúng brief của bạn mà, phải không nào ?
Hình ảnh: hình ảnh khuyến mãi có đẹp không, nhìn hấp dẫn chứ? Khi nhìn vào bạn có thấy quà nổi bật không? Bạn nhìn vào lần đầu bạn biết là đang tặng quà gì chứ ? Nếu như câu trả lời là có cho tất cả những câu trên. Thì hãy ok cho design đó. Đừng làm mất thời gian của bạn và của agency =).
2. Beautiful: Là nhìn vào hợp và hài hòa. Đây là một khái niệm khá trừu tượng nhưng với tôi, thì nó được tóm lại trong những khía cạnh sau đây:
Màu sắc: Không dùng quá nhiều gradient và nhìn màu nào phải ra màu đó. Đồng thời tôi là fan cuồng của những tông màu tươi. Nên tránh những màu nhạt, buồn vì nó không gây được chú ý gì cả.
Không có quá nhiều kiểu vẽ: Bạn thích 3D ok, hãy cho tất cả trong hình đều là 3D. Hay bạn muốn theo kiểu vẽ phim hoạt hình, vậy hãy chắc chắn rằng tất cả design đều theo kiểu vẽ hoạt hình. Bạn có thể tham khảo 2 hình tôi để bên dưới là ví dụ cho tất cả những gì tôi viết ở đây. Việc một design có quá nhiều phong cách vẽ sẽ biến tổng thể trở thành một thảm họa và các nhân tố trong đó mất đi sự liên kết với nhau.
Sự kết hợp giữa phong cách 3D và 2D là design không thống nhất màu mè và rất xấu.
Font chữ: Đừng tham lam nhiều font nhìn cho lạ. Cả tôi và bạn đều biết rằng, càng đơn giản, người ta càng dễ chú ý và hiểu. Nếu slide của bạn trình bày chỉ được có 1 font thì hãy coi design là slide bạn đang trình bày với người tiêu dùng. Chỉ 1 là đủ!
Kênh quảng cáo: Đây là điều mà ít “brand thủ” chú ý đến. Tuy nhiên, yếu tố này lại rất quyết định đến sự thành bại của design của bạn. Tôi còn nhớ câu chuyện đáng nhớ về kinh nghiệm này. Lúc đó tôi đang design một banner trên điện thoại. Khi agency gửi qua cho tôi, design trông rất lớn – để tôi xem cho rõ. Nó thật đẹp làm sao. Tôi đã ok cho design đó được đưa lên facebook. Thế nhưng 1 tuần, 2 tuần sau, dường như không có ai click vào banner đó cả. Tôi cảm thấy khó hiểu cho đến khi giật mình biết lý do vì sao.
Hóa ra câu tagline mà tôi để ở trên quá nhỏ khi hiển thị trên điện thoại di động. Khi tôi xem design thực tế hiển thị trên điện thoại của mình thì hình của tôi bị thu nhỏ lại. Và câu tagline cũng gần như không thấy. Khi duyệt design chính tôi đã không ngờ hay biết về điều này. Nên gần như không có ai click vào banner của tôi cả.
Bài học ở đây là: Hãy suy xét design này của bạn sẽ hiện lên những phương tiện truyền thông nào: điện thoại, vi tính, TV và từ đó hãy xem thử những design đó trông thực tế như thế nào khi hiện diện trên các phương tiện đó. Hãy luôn đánh giá design trên phương diện của người tiêu dùng nữa nhé.
3. Consistent: Và tất nhiên cuối cùng là các design này có theo đúng brand guideline của bạn không? Ngoài những yếu tố như logo, cách để những câu tagline và hình ảnh của brand như thế nào. Bên cạnh đó, bạn đừng quên về core value của brand trong việc xem xét design.
Ví dụ: Nếu brand của bạn thiên về khoa học, gây dựng sự tin tưởng với hình ảnh chuyên gia như sữa bột thì chắc chắn những hình ảnh qua teen, câu từ nhí nhảnh là không thể xuất hiện được trong design của bạn phải không nào ? Hãy nghĩ đến định vị của brand trong lúc đánh giá nữa bạn nhé.
Và đó là cơ bản về cách tôi đánh giá một design như thế nào. Điều đơn giản nhất mà tôi muốn bạn biết được là: đừng quá chi li và đi vào chi tiết. Hãy feedback từ cách nhìn tổng quát hơn, và bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bạn và agency đấy. Hãy nhớ: mỗi người đều có chuyên môn riêng và chúng ta nên tôn trọng điều đó.
Nguồn: brandsvietnam