Press "Enter" to skip to content

Freelance – Nghề tự do có dễ?

Khoảng hai năm trở lại, công việc tự do hay còn gọi là nghề freelance đang dần phổ biến và trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Nhưng freelance liệu có hẳn là một công việc nhẹ nhàng và tự do hoàn toàn?

Nhìn một cách tổng thể, freelance là một công việc hoàn toàn không gò bó về không gian và thời gian; phương tiện liên lạc giữa hai bên chủ yếu là qua điện thoại hoặc internet. Bạn được khoán một phần việc nhất định và phải hoàn thành theo một hạn định được đề ra, không gian và thời gian làm việc không quan trọng, miễn là đảm bảo công việc được hoàn thành đúng hạn.

Chạy deadline – có phải chỉ có dân công sở?

Deadline Freelancer VietNam

Không đến nơi làm việc không có nghĩa là bạn sẽ được tự do hoàn toàn, bạn có thể bắt đầu làm việc bất cứ lúc nào trong ngày nhưng để đảm bảo tiến độ, khoảng thời gian bạn phải bỏ ra sẽ không ít hơn những người làm việc nơi công sở. 

Hồng Đào, chuyên nhận ráp quần áo cho các nhà may, gia công tại nhà. Chị phải ngồi trên bàn máy suốt từ sáng đến tối để kịp tiến độ công việc. Mặc dù làm việc tại nhà nhưng chị thậm chí không có thời gian để chăm sóc hai đứa con nhỏ, thời gian chị rời khỏi bàn máy may duy nhất có lẽ đó là lúc phải lo hai bữa cơm qua loa cho xong bữa. Từ thứ hai đến chủ nhật hầu như không có ngày nào được ngơi nghỉ. 

Áp lực cao

Là sinh viên (SV) của một trường mỹ thuật, Châu Anh  kiếm thêm thu nhập bằng việc làm designer freelance cho một công ty thiết kế. Tuy không bị gò bó thời gian hay  phải đến trực tiếp công ty như những công việc khác nhưng áp lực của Châu Anh không hề nhỏ. Châu Anh luôn phải đối mặt với việc phải đầu tư nhiều thời gian để kịp tiến độ của các dự án mà công ty giao, thậm chí nhiều lúc không còn thời gian dành cho bài vở. Châu Anh tâm sự "Là một SV còn đang đi học khiến cho áp lực công việc càng tăng cao khi mà trình độ cũng như kinh nghiệm đều chưa nhiều để có thể hoàn thành tốt 100% công việc được giao, nhất là khi sếp đưa ra yêu cầu và chỉ đạo từ xa." 

Khi làm một công việc freelace, bạn phải chủ động xử lý mọi tình huống có thể xảy ra trong công việc. Điều đó đòi hỏi khả năng làm việc độc lập rất cao. Tuy nhiên đối với SV mới ra trường hoặc một người chưa có bề dày kinh nghiệm trong ngành nghề của mình thì đây lại là một trở ngại lớn trong việc tiếp thu cũng như học hỏi những kinh nghiệm từ những đồng nghiệp của mình so với những người làm việc theo nhóm hoặc làm việc tại công ty theo kiểu truyền thống. 

Tai nạn nghề nghiệp

Income of Freelancer VietNamĐôi khi Freelancer Việt Nam bị nhà tuyển dụng lợi dụng bằng cách yêu cầu công việc và thỏa thuận rõ ràng nhưng sau khi freelancer hoàn thành xong công việc thì lại bị quỵt thù lao trắng trợn. Phương án kiện cáo cũng không ăn thua vì làm freelance thì đã ký hợp đồng lao động gì đâu. Mà dù có ký thì với mức thù lao vài triệu đi kiện thì tiền án phí còn hơn vậy nữa, lại còn mất thời gian đi lại. Thế là không ít Freelancer Việt Nam ngậm trái đắng, mất công sức mà chẳng được nhận tiền công.

Nếu như ở nước ngoài, mọi giao dịch của Freelancer và nhà tuyển dụng đều thông qua hệ thống đảm bảo của bên thứ 3 thì Freelancer Việt Nam đã không phải ôm hận vì những lần bị quỵt tiền như thế!

Từ xa đến gần…

Tóm lại, bất cứ một công vệc gì cũng đều có cái giá của nó, không có công vệc nào là quá dễ dàng và thoải mái. Vì thế, điều quan trọng là ta cần có một cái nhìn khách quan và toàn diện về một công việc cụ thể để không vấp phải những sai lầm và thất vọng, đồng thời tìm được một công việc phù hợp nhất với khả năng và điều kiện của mình. Tôi cũng không quên nhắc mọi người rằng nên chuẩn bị 1 số thứ khi bắt đầu dự án với 1 khách hàng mới như hợp đồng hay Biên bản thỏa thuận để tránh trường hợp xù nợ như trên!

(Sưu tầm)