Press "Enter" to skip to content

Nhìn lại hành trình lịch sử của xe Vespa

Năm 1946: Vespa 98

Vào tháng 4 năm 1946, chiếc xe gắn máy hạng nhẹ mang tính thực tiễn cao được ra mắt lần đầu tiên trước công chúng tại sân golf Roma. Cũng là lần đầu tiên trên yếm xe xuất hiện logo Piaggio mới, thay thế huy hiệu hàng không. Hai tạp chí lớn "La moto" và "Motociclismo" đã ưu ái đưa hình ảnh chiếc Vespa lên trang bìa. Chiếc xe tay ga này đã gây nên một dấu chấm hỏi, một sự ngạc nhiên và cả một khối nghi ngờ trong dư luận quần chúng. Song song với việc ra mắt chính thức, 50 chiếc xe Vespa được xuất xưởng tại Pontedera. Việc thương mại hóa chiếc xe Vespa được thực hiện trong những tháng đầu tiên thông qua nhà phân phối Lancia. Và trong năm đầu tiên của "cuộc đời", 2,484 chiếc xe đã được xuất xưởng. Đó là sự khởi đầu cuộc phiêu lưu của chiếc xe tay ga nổi tiếng nhất thế giới.

alt

 

Năm 1948: Vespa125

Piaggio tiếp tục ra mắt mẫu xe Vespa mới vào năm 1948. Giữa 2 năm 1946 và 1947, 1183 chiếc Vespa với động cơ 125cc và khung xe kiểu Vespa 98 đã được sản xuất và xuất khẩu. Cuối năm 1947, Enrico Piaggio đã quyết định ngừng lại toàn bộ việc sản xuất Vespa 98 và bắt đầu với Vespa 125 nhằm phục vụ nhu cầu trong nước. So với nguyên bản năm 1946, ngoài độ lớn dung tích xy-lanh của động cơ, một bộ giảm xóc còn được lắp phía sau tạo sự thoải mái cho người lái. Giảm xóc trước cũng được thay đổi với tay đòn lắp bên phải bánh xe. Giải pháp này được duy trì trong suốt những năm tiếp theo. Trong loạt sản xuất tiếp theo vào năm 1949, hệ thống làm mát động cơ và bộ điều khiển đã được cải thiện.

alt

Năm 1951:  Vespa 125 Sei Giorni

Chiếc Vespa này được thiết kế nhằm tham gia các cuộc đua diễn ra thường xuyên và nó đã giành được nhiều thành tích đáng kể. Tuy kiểu dáng rất giống mẫu Vespa 125 sản xuất hàng loạt nhưng Vespa 125 Sei Giorni này tạo nên sự khác biệt bởi kích thước bình xăng lớn hơn, yếm trước lướt gió hơn và vỏ phần động cơ phía bên phải lớn hơn để chứa bộ chế hòa khí trên xy-lanh. Tên gọi của nó bắt nguồn từ việc giành 9 huy chương vàng trong giải đua "Sei Giorni Internazionale" (Sáu ngày quốc tế) lần thứ XXVI vào năm 1951. Đội thi đấu của Piaggio gồm Biasci, Cau, Granchi, Mazzoncini, Merlo, Nesti, Opessi, Riva, Romano và Vivaldi. Vespa 125 Sei Giorni còn giành cúp vàng của Liên đoàn Mô tô Italia cũng trong năm 1951.

alt

Năm 1955:  Vespa 150 GS

Sau phiên bản "Sei Giorni" với số lượng có hạn, đây là chiếc xe Vespa đầu tiên có kiểu dáng thể thao được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn từ năm 1955. Chiếc Vespa 150 GS đã đánh dấu cột mốc quan trọng không chỉ riêng trong lịch sử Vespa mà cả lịch sử scooter nói chung. Nó được nhớ đến như chiếc Vespa đẹp chưa từng thấy trên thế giới và cho đến tận ngày nay vẫn là mục tiêu săn lùng số một trong tất cả những dòng xe thuộc thời kỳ đó. Lần đầu tiên, một chiếc xe được ra đời với bản tính "hài hòa", vừa chiều lòng mọi đối tượng người sử dụng, vừa mang đến những màn trình diễn ngoạn mục mà an toàn. Vespa GS mang phong cách thể thao cực kỳ nổi trội nhờ vào những kinh nghiệm kế thừa từ các giải đua mà Piaggio đã tham gia. Động cơ có công suất 8CV ở 7.500 vòng, 4 kỳ, yên xe dài hơn, bánh xe lớn hơn với kích thước 10 inch – đó là những thay đổi khác biệt nhất của chiếc Vespa.

alt

Năm 1963:  Vespa 50

Đây là chiếc Vespa được giới trẻ ưa chuộng nhất: gọn nhẹ, tiện dụng, kiểu dáng thanh lịch và độc đáo như dòng xe phân khối lớn hơn. Ngay từ lần đầu tiên mẫu xe xuất hiện trên thị trường vào năm 1963, Piaggio đã đưa ra khẩu hiệu quảng cáo: "Trẻ, hiện đại và…không yêu cầu giấy tờ". Đó là chiếc Vespa không cần gắn biển số, không cần bằng lái cho người từ 14 tuổi trở lên mà vẫn tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ.
Động cơ dòng xe này hoàn toàn mới, với xy-lanh không nằm ngang nữa mà chếch 45 độ. Với vai trò là mẫu thiết kế cuối cùng do Corradino D’Ascanio thiết kế, nó cũng là cột mốc trong lịch sử Vespa: từ năm 1964 đến nay đã có hơn 3 triệu chiếc Vespa được sản xuất.

alt

Năm 1967:  Vespa 125 Primavera

Kế thừa hình mẫu 125 (VMA1), chiếc Vespa 125 "Primavera" đã gặt hái thành công lớn ngay từ khi vừa được tung ra thị trường (1967). Dễ điều khiển, lướt êm, năng động và khỏe khoắn – đó là những tính từ quảng bá hình ảnh chiếc Vespa Primavera những năm 60. Những thanh niên trẻ đóng vai trò chính trong chiến dịch quảng cáo "Với Vespa, ta có thể", hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu trên 16 tuổi có tình yêu với thể thao, thiên nhiên và không thích đến muộn trong những cuộc gặp gỡ bạn bè vì lý do giao thông. Điểm nổi bật của mẫu xe này là bộ khung dài hơn, khiến người ngồi sau xe thoải mái hơn.

alt

Năm 1969:  Vespa 50 Special

Bắt đầu được tung ra thị trường vào năm 1969, giữa thời kỳ những cuộc nổi dậy trẻ bừng lên mạnh mẽ nhất, mẫu Vespa 50 special hướng đến thế hệ mới với những cách tân thẩm mỹ trên tay lái, đèn pha, đèn hậu, tạo nên một diện mạo "phù hợp hiện đại" như lời quảng cáo trên brochure vào thời đó.
Vào cùng năm đó, Vespa 50 Elestart – mẫu xe có thiết kế như Vespa Special nhưng cải tiến về kỹ thuật: khởi động bằng điện – cũng được ra mắt.
Từ 1969 đến 1973, những chiến dịch quảng cáo của Piaggio trở nên phong phú hơn qua khẩu hiệu "Chi Vespa mangia le mele" – xuyên suốt thành công của Vespa 50 special.

alt

Năm 1977 : Vespa P125X

Được giới thiệu tại salon Milan vào năm 1977 như hình mẫu Vespa "xu hướng mới", Vespa P125X được hưởng những thiết kế đầy mới mẻ và cách tân, đánh dấu một bước ngoặt so với những đời xe trước và tỏa sáng trong những năm 80. Vespa P125X trở thành phương tiện di chuyển trong mơ của giới trẻ và đủ sức cạnh tranh với những dòng xe cub cũng đang được hồi sinh với dung tích xy-lanh 125cc. Những đường nét vuông vức và kích thước được thay đổi hợp lý, mang lại sự khỏe khoắn cho xe. Xét về vóc dáng khách hàng, đây là những cải tiến thực sự hữu ích về mọi mặt, giúp họ điều khiển xe một cách thoải mái và thuận tiện. Những hiệu quả mà việc cách tân giảm xóc trước đem lại cũng rất đáng kể.

alt

Năm 1985:  Vespa 125 T5 pole position

Một cái tên mới và một diện mạo cách tân – đó là hai điểm nổi bật của mẫu "Vespa 125 T5 pole position" ra mắt năm 1985. Những đường nét mạnh mẽ, tấm chắn phía trước và đồng hồ công-tơ-mét kỹ thuật số làm nên tính cách thể thao của nó. Với mẫu xe này, Piaggio được giao nhiệm vụ khó khăn là cạnh tranh với đối thủ "cơ bắp" và "hiếu chiến" của Nhật Bản. Chiếc T5 được trang bị động cơ với 5 cửa hút – đẩy, đảm bảo công suất chưa từng có trên những mẫu Vespa có dung tích xy-lanh tương tự. Ngoài chính cái tên của mình ra, mối quan hệ mật thiết của chiếc T5 này với giới chuộng tốc độ còn được ghi nhận qua sự lựa chọn của tay đua công thức I xuất sắc Nelson Piquet.

alt

Năm 1996 : Vespa ET2 – ET4

Đây là chiếc Vespa đánh dấu chặng đường 50 năm lịch sử thương hiệu với lễ ra mắt được diễn ra trọng thể vào tháng 9 năm 1996 tại Roma. ET không hề mất đi đường nét tinh tế, quý phái – đó là những đặc điểm di truyền tiêu biểu của các thế hệ Vespa. Về mặt kỹ thuật, Vespa luôn được cách tân nhằm phù hợp với xu hướng thời đại, mang đến cho người sử dụng sự hài lòng bằng những tiện ích tối đa. Đó là bí quyết để Vespa trở thành chiếc scooter nổi tiếng nhất, luôn được ưa chuộng qua mọi thời đại và đông đảo khách hàng trên thế giới sử dụng. Thế hệ Vespa mới bao gồm 3 phiên bản: ET4 với động cơ 4 kỳ 125cc thân thiện với môi trường, ET2 với động cơ hiện đại và đáng tin cậy, ET2 phun xăng điện tử với động cơ FAST.

alt

 

Năm 2000:  Vespa ET4 Ferrari

Đây là sự kết hợp thương hiệu giữa Piaggio và Ferrari nhân sự kiện Ferrari giành chiến thắng trong giải đua Vô địch thế giới Công thức 1 vào năm 2000.
Những chiếc xe mang cá tính của các tay đua Montezemolo, Todt, Schumacher và Barrichello mang màu đỏ sang trọng của Ferrari với yên xe cũng chất liệu da sử dụng cho nội thất của xe đua Ferrari.

alt

FreelancerViet sưu tầm