Press "Enter" to skip to content

Kỹ năng nói tốt trước đám đông cho các Freelancer

Là dân công nghệ, chắc không ít người đã có ít nhất một lần theo dõi các buổi giới thiệu sản phẩm của Google, Apple…và thầm phục cách diễn thuyết và phong thái của các vị lãnh đạo cấp cao trước hàng trăm, hàng ngàn người.
 
 
Trong cuộc đời khởi nghiệp, các nhà sáng lập phải có ít nhất một lần diễn thuyết trước các nhà đầu tư, đối tác về những gì công ty đã và đang thực hiện. Xa hơn, các nhà khởi nghiệp còn là hình ảnh của công ty trong các buổi chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng thực tế cũng chứng minh có rất nhiều vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch kinh doanh rất tốt nhưng khi diễn thuyết trước đám đông thì cứ lúng túng như nhà gà mắc tóc.
 
 
Thật ra, cái khó nhất là kinh nghiệm và tinh thần dám làm dám chịu của các nhà sáng lập, còn việc nói trước đám đông so với hai yêu tố trên thì dễ hơn nhiều, chúng ta có phương pháp luyện tập để việc nói trở thành “nghệ thuật” và đi vào lòng người. Twenty.vn chia sẻ một vài phương pháp đem đến sự thành công cho buổi nói chuyện trước công chúng hiệu quả của diễn giả  Nguyễn Trần Phi Yến – thạc sĩ về Quản trị kinh doanh tại đại học Gloucestershire (UK), đồng sáng lập và điều hành ZigZag Career (công ty chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu cá nhân), đồng sáng lập Amersia BinhDuong
 
Chuẩn bị chu đáo
 
Nói về sự cần thiết để chuẩn bị trước khi hành động, tổng thống thứ 16 của nước Mỹ Abraham Lincoln đã nói “Nếu tôi có 6 tiếng để chặt cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”. Việc thuyết trình cũng tương tự như vậy. Nếu muốn giao tiếp hiệu quả, bạn cần phải có một ý tưởng và nội dung rõ ràng. Bạn không thể thuyết trình tốt nếu như chính chủ nhân còn không nắm vững thông điệp mà họ muốn truyền tải. Vì thế, nghiên cứu kỹ những gì mình sẽ trình bày, ghi ra các ý trọng điểm và tập nói nhiều lần cho tới khi nhuần nhuyễn sẽ không thừa trong quá trình chuẩn bị. Bạn cần chú ý đến ngữ điệu lên, xuống vì nó góp phần “kéo” người nghe duy trì sự hứng thú trong bài nói của bạn lâu hơn.
 
Sự chuẩn bị thứ hai đến từ trang phục. Bạn chỉ có 90 giây để làm cho người khác có ấn tượng tốt về mình, mà phần lớn trong đó đến từ vẻ bề ngoài của bạn. Tất nhiên, trang phục sẽ thay đổi tùy theo đối tượng theo dõi buổi nói chuyện là ai. Nếu tính chất trang trọng thì lựa chọn phù hợp là quần tây hoặc váy, đi kèm áo vest. Hoặc nếu sự thoải mái được lựa chọn thì sẽ là phong cách trẻ trung của quần jean và áo thun. Tuy nhiên, dù có trang phục là gì thì cũng phải đảm bảo yếu tố thoải mái nhưng vẫn lịch sự, màu sắc nhã nhặn.
 
Mở đầu thật ấn tượng
 
Mở đầu gây chú ý, gợi sự quan tâm của người nghe khiến không khí buổi thuyết trình hào hứng hơn. Bạn có thể đánh vào tâm lý tò mò của khán giả bằng một câu nói tạo ngạc nhiên. Hoặc là – vì bất cứ ai cũng muốn nói về mình – bạn có thể đặt một câu hỏi liên quan tới chủ đề và người nghe, từ đó kéo mọi người đến với chủ đề mình chuẩn bị nói một cách hứng khởi. Một đoạn clip ngắn, nội dung thú vị cũng là một ý kiến không tồi cho mở đầu đầy màu sắc. Tựu trung lại, dù phần mở đầu chỉ chiếm từ 5- 10% bài nói nhưng bạn cũng cần đầu tư suy nghĩ vào phần này để những phần sau được suôn sẻ, như vốn dĩ “đầu xuôi thì đuôi lọt”.
 
Biến buổi thuyết trình thành một show diễn của chính bạn
 
Việc ghi nhớ “mình đang thuyết trình” khiến cho mọi chuyện trở nên khuôn mẫu hơn. Sự thật là mọi người vẫn hứng thú đón nhận những điều tự nhiên và gần gũi khiến họ cảm thấy thu hút và ghi nhớ, hơn là cảm giác mình đang nghe một bài giảng không biết khi nào dừng. Tạo sự tự nhiên qua từ ngữ dễ hiểu, giữ nét mặt thân thiện và dùng cử chỉ như cách đưa tay hợp lý khiến bài nói của bạn có điểm nhấn. Thêm vào một vài câu nói, danh ngôn của người nổi tiếng dễ khiến bài nói của bạn thú vị và mang tính thuyết phục hơn.
 
Một điều quan trọng trong thời gian thuyết trình là “đánh thức người nghe”. Lúc nhận thấy mọi người có những biểu hiện lơ là, không chú ý tới những gì mình nói thì cũng là khi bạn cần “vực dậy” tinh thần của người nghe. Một câu nói bông đùa hay một mẩu chuyện vui lúc này xem ra khá có ích.
 
Kết thúc “đẹp”
 
Những giây phút cuối bài nói chuyện cần ở bạn sự vững vàng hơn nữa bởi lúc này rất dễ tạo ra sự nhạt nhòa. Để dành những điều thú vị và gợi sự hứng thú nhất cho phần kết thúc khiến buổi thuyết trình hoàn hảo hơn. “Miếng ngon luôn để cuối cùng”. Nếu bạn có một tin hay ho, vào lúc bạn mới bắt đầu, hãy hứa hẹn sẽ tiết lộ nó vào cuối buổi. Nếu bạn có những món quà muốn gửi tới những người tham dự, hãy để dành nó sau khi buổi thuyết trình kết thúc. Đó là lý do mà Steve Jobs, nguyên Giám đốc Điều hành của Apple, luôn để dành phần thú vị nhất – khui hộp sản phẩm mới (IPhone, Macbook…) sau khi ông hoàn thành bài nói của mình.