Khách hàng của Phúc chính là những bạn bè mà anh quen biết. Họ tìm đến anh khi công ty đang cần làm chiến dịch PR, cũng rất nhiều khi họ giới thiệu anh cho người quen của họ. Do đó Phúc cũng có một lượng công việc khá ổn định , vừa đảm bảo có công việc, thu nhập, vừa không phải bó mình trong công sở.
Lan cũng là một PR freelancer, nhưng hiện nay công việc chính của cô là PR manager cho một nhãn hàng nổi tiếng tại một công ty liên doanh. Ngoài công việc chính, đôi khi cô nhận thêm một vài project của bạn bè. Các công ty thường nhờ Lan viết chương trình và kiêm luôn thực hiện. Với những dự án lớn và mất nhiều thời gian thì sao? “Tất nhiên là outsource bớt ra ngoài hoặc mời bạn bè cùng làm chứ mình mình làm sao xuể. Tôi có một nhóm bạn chuyên chạy dự án với nhau, đều là nhân vật có “máu mặt” trong giới PR, marketing cả. Hiện nay họ đều có công việc toàn thời gian ở công ty, nhưng nếu họ đang rảnh thì ới một tiếng họ sẽ cộng tác.” Lan cho biết. Cô còn tiết lộ thêm là chỉ “làm chui” thôi chứ không cho sếp cô biết vì sếp sẽ lo ngại ảnh hưởng đến công việc chính.
Ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều người làm PR freelancer như vậy. Có nhiều công ty hoặc khối lượng công việc ít chưa cần thiết phải tuyển 1 PR toàn thời gian hoặc cần người làm PR thật giỏi, mà ngân sách không cho phép trả lương quá cao cho họ và cũng không cho phép thuê agency. Thuê người làm PR theo dự án chính là giải pháp phù hợp cho họ. Giải pháp này vừa tiết kiệm chi phí, vừa đem lại hiệu quả cao vì những người làm PR freelancer đa phần là người giỏi.
Những người vừa có công việc chính, vừa chạy dự án như Lan chiếm đa số, còn làm freelancer hoàn toàn như Phúc khá ít. Những người vừa làm ở công ty, vừa chạy dự án thường nhận project qua bạn bè, người quen chứ ít khi chủ động đi chào mời vì họ không có nhiều thời gian, trừ khi được rỉ tai về một dự án “thơm ngon” thì họ mới chủ động liên hệ các công ty để chào mời.
Với những dự án ít tốn thời gian như làm media, họ có thể làm một mình, còn với các dự án cần nhiều thời gian và nhân lực hơn như tổ chức event họ phải lập hẳn 1 team để thực hiện.
Tại sao họ làm PR freelancer
Phúc cho biết với công việc của một PR freelancer, anh có được sự chủ động về thời gian. Anh có thể nghỉ ngơi khi anh thấy mệt, làm việc nửa đêm nếu anh muốn, và sắp xếp cho mình những chuyến du lịch ở xa mà không ngại sếp phiền khi xin nghỉ phép. Mọi thứ đều có thể điều tiết theo khả năng, thời gian của mình, được quyền lựa chọn làm những việc mình thích và từ chối những việc không ưa thích. Có vẻ như PR freelancer là công việc hợp với anh, một con người ngẫu hứng, hướng ngoại và thích tự do.
Tuy nhiên những người làm freelancer hoàn toàn như Phúc không nhiều, vì tâm lý chung ai đều muốn có một công ăn việc làm yên ổn tại một công ty cố định, chứ “lông bông” như vậy dễ bị gán cho là “thợ đụng”, tức đụng đâu làm đó.
“Nếu ai đó hỏi rằng bạn làm việc ở đâu và bạn nói rằng hiện chẳng làm ở đâu cả, có gì làm nấy thôi thì nhất định họ không đánh giá cao bạn, vì quan niệm xã hội là hoặc đi làm thuê cho các công ty, hoặc đứng ra làm chủ, không ai chấp nhận kiểu nay đây mai đó” – Phúc chia sẻ. Tuy nhiên, những ai quen biết Phúc từ lâu đều biết anh là một người làm PR rất khá. Đã có nhiều lời mời về làm tại các công ty lớn với chức danh cao nhưng anh đều từ chối. Và laptop, điện thoại vẫn là bạn đồng hành cùng anh chinh phục các dự án.
Còn trường hợp của Lan thì khá thường gặp, ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập, họ làm freelancer cho các khách hàng khác để học hỏi và tạo quan hệ. “Suốt ngày quanh quẩn với một nhãn hàng duy nhất tại công ty, tôi cảm thấy có nhu cầu thay đổi không khí bằng cách thử sức trong các lãnh vực mới.”
Nhiều người cũng làm PR freelancer vì mục đích học hỏi, với tham vọng sẽ tiến lên thành lập một công ty chuyên về PR, marketing cho riêng mình.
Tuy nhiên, ngoài khó khăn về thành kiến xã hội, PR freelancer còn có thể gặp những khó khăn khác như không đảm bảo có đủ dự án để làm thường xuyên. Do đó đòi hỏi họ phải giỏi chuyên môn và có quan hệ rộng. Những người có công việc chính tại các công ty thì gặp phải khó khăn về thời gian, vì bản thân công việc chính đã bận rộn rồi, lại phải đèo bòng thêm công việc phụ vốn đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết không kém.
Tuy nhiên những điều đó vẫn không ngăn cản ngày càng có thêm nhiều freelancer nữa gia nhập thị trường PR. Họ giống như một PR agency thu nhỏ, nhưng hiệu quả công việc thì không hề kém cạnh bất cứ PR agency chuyên nghiệp nào.
FreelancerViet (Theo Nguyễn Hạ Anh Thảo)