– Dựa vào số lượng chức năng và số giờ thực hiện:
Dự án càng nhiều chức năng thì giá càng cao. Khi đọc yêu cầu của khách hàng, chúng ta sẽ phân tích xem có bao nhiêu chức năng riêng biệt cần phải làm. Kế đến là bước đi sâu phân tích từng chức năng cụ thể để biết được thời gian cần có để hoàn thành chức năng này. Rất dễ định lượng nếu chúng ta đã từng làm qua loại chức năng đó. Cuối cùng là tính tổng số giờ cần có để hoàn thành. Tất nhiên không bao giờ tính được chính xác là bao nhiêu giờ làm, nhưng chúng ta có thể ước lượng khoảng bao nhiêu giờ làm. Ví dụ, thay vì nói chính xác là 10 giờ, ta có thể ước lượng từ 8->12 giờ.
– Dựa vào độ phức tạp. Khi một chức năng chưa thể ước lượng được vì chức năng này khó làm, ít người làm được cần phải nghiên cứu thì dựa vào đó để ra giá. Không thể định giá theo giờ làm đối với chức năng phức tạp.
– Dựa vào giá trị sử dụng. Nếu dự án bạn làm sẽ mang lại lợi nhuận cho khách hàng thì dựa vào đó để có thể tăng thêm chi phí. Ngoài ra có thể tăng thêm hoặc giảm bớt vì đây là khách hàng vãng lai hay khách hàng quen thuộc, tiềm năng.
– Chi phí sales và phân tích. Để có được dự án thì bạn hoặc bộ phận sales phải làm việc, cho nên chi phí này cũng cần được tính. Việc phân tích, đánh giá toàn bộ dự án không phải ai cũng có thể làm tốt, cho nên phải tính chi phí cho người phân tích.
– Chi phí cho tester, cài đặt, bảo trì. Sau khi ra sản phẩm ở phiên bản Alpha hoặc Beta, có thể phải cần người test để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Khi sản phẩm đã hoàn tất có thể khách hàng sẽ cần sự hỗ trợ hoặc bảo hành, chúng ta có thể tính thêm chi phí này.
– Chi phí rủi ro. Chưa cần quan tâm đến loại chi phí này nếu bạn chỉ làm dự án nhỏ và vừa hoặc quy mô tổ chức của bạn không lớn.
– Chi phí bắt buộc phải trả. Chính là chi phí thuế cho freelance site và chi phí rút tiền về tài khoản.
Tóm lại, giá của dự án được quy ra 3 phần chính:
Chuẩn bị: sales, phân tích, tư liệu sản xuất.
Tiến hành: số giờ để hoàn thành các chức năng.
Kết thúc: test, cài đặt, bảo trì, chi phí vô hình.
Với các freelancer mới tham gia làm dư án freelance có thể chỉ cần tính theo phần xử lý và chi phí phải trả. Sau này khi đã có kinh nghiệm nên tính đầy đủ các chi phí trên.
Chi phí theo giờ làm có thể dao động từ $5 đến $20 tùy độ dày kinh nghiệm và chất lượng dự án mà bạn cam kết đảm bảo với khách hàng. Bạn hãy tự ra giá bao nhiêu tiền 1 giờ cho bản thân để từ đó có thể tính được giá dự án một cách hợp lý.
Những khách hàng chuyên nghiệp, họ thường đưa chi phí cho freelancer chúng ta khoảng 2/3 giá thực hoặc thậm chí 1/2 nếu thấy bạn là freelancer non yếu, mới vào nghề. Hẳn bạn cũng cảm thấy chán nản vì sao cũng là sản phẩm đó, chất lượng tương đương, nhưng chúng ta lại có giá thấp hơn. Đơn giản vì freelancer cần họ cho những dự án đầu tiên của mình nhằm tăng tính thuyết phục của portfolio. Tuy nhiên điều này còn tùy vào cách đánh giá, nhìn nhận của khách hàng đối với bạn mà giá cả sẽ có sự thay đổi khi làm dự án kế tiếp từ chính người khách này.
Về phần chúng ta, không phải lúc nào cũng tính theo giờ, nhất là với những dự án nhỏ. Phải để ý xem giá tối đa mà khách hàng có thể trả, dự án có gấp không, dự án có phức tạp không, số lượng freelancer khác đã bid ở dự án, khách hàng ở khu vực nào, giá của loại dự án này các freelancer khác thường đưa ra bao nhiêu và từ đó tính toán 1 cái giá phù hợp.
Người mua muốn giá thấp, người bán đòi giá cao, bạn phải biết cân bằng và nêu ra được những lý do để khách hàng có thể chấp nhận được giá bạn đưa ra.
FreelancerViet Sưu tầm