1. Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Hãng luật Giải Phóng, luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM.
2. Bà THANH NGỌC, Giám đốc cộng đồng Yahoo! Vietnam, từng là Giám đốc marketing cho Zing và FPT Online.
3. Ông ĐẶNG TRẦN LÊ VŨ, Copywriter của Neo Communication, từng làm Freelancer Online Content Building cho nhiều dự án lớn-nhỏ, triển khai các dự án Digital Marketing cho Low, Ogilvy, Kotex, Close up
Nội dung thảo luận:
-
Phần 1: Trở thành Freelancer chuyên nghiệp
- Nhận định uy tín nguồn thông tin hợp đồng thuê ngoài.
- Làm thế nào để thương lượng giá cả và những điều khoản đảm bảo.
- Phương thức hạn chế rủi ro nghề nghiệp.
-
Phần 2: Kinh nghiệm tuyển dụng Freelancer
- Làm sao để lựa chọn freelancer phù hợp nhu cầu?
- Những rủi ro có thể xảy đến trong một hợp đồng thuê ngoài. Phương thức hạn chế.
Một bạn trẻ hỏi: Tôi từng đi làm thêm nhưng nhận được mức lương thấp hơn hoặc bị quỵt tiền. Xin chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm làm sao để tránh được chuyện này?
Chuyên gia THANH NGỌC: Ở phương diện là doanh nghiệp, mình cũng từng thuê freelancer rất nhiều và cũng từng trả lương ít hơn thỏa thuận. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp trả lương thấp hơn. Có thể do đạo đức doanh nghiệp nhưng có một số nguyên nhân đến từ kết quả công việc. Khi người làm không đáp ứng được yêu cầu ban đầu nên cắt bớt lương.Điều bạn cần thỏa thuận với doanh nghiệp cụ thể về kết quả công việc (tôi làm được 100% thì sao, 80% thì nhận được gì…).
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Sở dĩ có rủi ro trong quan hệ lao động xảy ra phổ biến xuất phát từ chỗ cung ít hơn cầu, đặc biệt từ các công việc thu nhập cao và từ các công ty uy tín. Các bạn dễ dàng nhận việc mà không để ý đến các thỏa thuận. Theo luật lao động quy định, với công việc 3 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động. Với công việc dưới thời hạn 3 tháng có thể thỏa thuận miệng nhưng vẫn phải theo quy định pháp luật.
Để tránh rủi ro, các bạn nên đề nghị doanh nghiệp thỏa thuận bằng văn bản và có ít nhất hai người làm chứng. Bằng hình thức đó người lao động sẽ có cơ sở để đòi hỏi quyền lợi.
Chuyên gia THANH NGỌC chia sẻ thêm: Công việc freelance đem đến thu nhập cực kỳ hấp dẫn, cao gấp 3, 4 lần bình thường. Khi doanh nghiệp chấp nhận trả mức lương cao như vậy tức là họ thực sự cần tới bạn. Có những công việc chỉ một số người làm được. Khi bạn ở trong nhóm ít những người làm được đó, bạn mới có thể đòi hỏi nhiều hơn về quyền lợi.
Bạn NGUYỄN NAM, SV mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, hỏi: "Em xin hỏi làm sao có thể tìm được công việc làm thêm tốt?"
Chuyên gia ĐẶNG TRẦN LÊ VŨ: Tài sản freelancer bạn phải tự xây dựng. Cái cốt lõi là năng lực của mình. Trên mạng hiện nay, các mạng cộng đồng đang phát triển rất mạnh. Bạn nên tham gia vào cộng đồng đó để chia sẻ và từ đó, bạn xây dựng được những mối quan hệ. Những cơ hội công việc thường đến từ các mối quan hệ đó. Bạn cần giới thiệu năng lực của mình ra bên ngoài đồng thời bạn cũng nên tìm hiểu thêm về công việc bạn muốn làm. Bạn nên nghiên cứu các kỹ năng cần thiết và bổ sung những kỹ năng của mình.
Bà THANH NGỌC: Kỹ năng phỏng vấn và góc nhìn về trả tiền lương: Bạn muốn mức lương bao nhiêu? Có nhiều bạn rất sợ câu hỏi này vì sợ doanh nghiệp sẽ không thích điều đó. Cái này có đúng không?
Đây không phải là câu quyết định rằng các công ty sẽ trả lương bạn bao nhiêu. Mà đây là câu hỏi để bạn tự đánh giá khả năng của chính mình thông qua mức lương. Khi đi phỏng vấn, chúng ta cần biết lương của mình ở mức độ nào. Bạn phải thuyết phục được nhà tuyển dụng tôi hoàn toàn xứng đáng với mức lương mà bạn đề nghị.
Thực tế số người lao động thì nhiều nhưng số người làm được công việc mà doanh nghiệp cần thì ít.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Việc này về kỹ năng phỏng vấn thì đúng hơn. Các bạn thường truyền tai nhau rằng không nên đề nghị mức lương là sai. Mình nên mạnh dạn đưa ra mức lương phù hợp với năng lực của mình và công việc mình sắp đảm nhận. Thời đại hiện nay là lúc các bạn thể hiện rõ cá tính và thể hiện năng lực.
Chuyên gia THANH NGỌC: Tôi không biết bạn nào truyền tai cho các bạn những điều này. Nhưng các công ty thường có phần thăm dò cho người đi phỏng vấn rằng bạn muốn mức lương bao nhiêu. Có bạn sợ để cao quá người ta không tuyển. Có bạn nghĩ hay để cao lên rồi người ta giảm xuống là vừa. Cái chúng ta cần quan tâm là làm sao chứng minh cho nhà tuyển dụng rằng tôi xứng đáng với mức lương đó chứ không phải nghĩ xem đề nghị mức lương bao nhiêu là vừa. Bạn có thể tham khảo mức lương trung bình trong công việc bạn chọn.
bạn Hải Đăng: "Nhà tuyển dụng lúc nào cũng yêu cầu 2, 3 năm kinh nghiệm. Dù trong trường có làm thêm nhưng không thể có thời gian kinh nghiệm như vậy?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Yêu cầu 2, 3 năm kinh nghiệm chỉ là một yêu cầu thêm vào của các doanh nghiệp. Tôi đã từng đi xin việc chỉ có 3 tờ giấy: bằng tốt nghiệp, công văn đơn giản giới thiệu bản thân và đơn xin việc. Điều các bạn cần là hiểu rõ khả năng của mình, vị trí của mình đang ở đâu.
Công việc freelance không có thời gian training cho bạn. Bạn bắt buộc phải làm được ngay khi nhận việc. Các bạn phải tự tin và chứng minh được bạn có thể làm được. Nếu không có kinh nghiệm thì làm freeland thực sự rất khó. Nhưng nếu bạn có khả năng thực sự thì không nên ngần ngại.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Nếu bạn mới ra trường, bạn nên liệt kê các công việc thuộc về freelance. Sau đó bạn so sánh năng khiếu, năng lực của mình với các công việc bạn đang chọn. Sau đó bạn cần xác định rõ mục tiêu tương lai của mình (làm freelance để có kinh nghiệm để sau này phục vụ công việc chính, làm để có thêm thu nhập, làm vì sở thích…) để chọn công việc phù hợp.
Một bạn trẻ hỏi: "Ở góc độ người tuyển dụng, cách chị Thanh Ngọc tính toán mức lương cho người tìm việc là như thế nào?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Đối với các dự án cần freelancer ngắn hạn, tùy theo mức độ công việc mình đưa ra ngân sách cho freelancer đó. Ví dụ ngân sách cho dự án đó là 1.000 USD/ tháng thì cho dù bạn có kiếm một người hay 2, 3 người để làm dự án đó thì mức lương phải trả vẫn là 1.000 USD/tháng cho cả dự án. Người làm được bao nhiêu phần trăm công việc đó thì lấy bấy nhiêu tiền.
Một Anh đang làm tư vấn tài chính (tư vấn dự báo vàng) hỏi rằng: "Với khả năng, kinh nghiệm như vậy tôi có thể tính toán mức lương như thế nào với doanh nghiệp?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Có bạn phân tích được giá vàng nhưng lại không phân tích được mức lương của mình thì tôi nghĩ bạn không nên làm công việc đó.
Luôn có khoảng cách giữa người sử dụng freelancer và người làm freelance. Cho nên điều quan trọng nhất khi đàm phán vấn đề công việc và lương bổng thì mọi thứ phải thật rõ ràng. Trong thỏa thuận hoặc hợp đồng cần nói rõ quyền lợi của hai bên. Ví dụ: tôi dự báo giá vàng cho anh, nếu đúng anh phải trả cho tôi bao nhiêu, nếu sai thì như thế nào…
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Các yếu tố để xác định tiền lương là tính chất công việc, thời gian và năng lực kinh nghiệm của bạn. Sau khi cân nhắc được các tính chất đó mình mới so sánh và định ra mức lương phù hợp. Theo luật, anh sử dụng lao động thì anh phải trả lương. Mặc dù biết vậy nhưng nhiều người lao động không biết và còn nhiều doanh nghiệp vẫn không chấp hành. Khi đưa ra tố tụng thì không giải quyết được vì không có chứng cứ pháp lý.
Tôi xin kể câu chuyện ở lễ hội trái cây ở Tiền Giang vừa rồi, có một cô gái làm thuê bị thiệt mạng vì sập sân khấu. Nhưng vì cô ấy không ký hợp đồng cụ thể với ai cả nên tai nạn này công ty không chịu trách nhiệm. Chính vì thế bạn cần tìm hiểu rõ mình đang làm việc với ai, có đủ quyền hạn, thẩm quyền đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình hay không.
Chuyên gia THANH NGỌC: Đa số mọi người nghĩ freelance là việc làm thêm. Nhiều bạn sẽ nghĩ freelance là những công việc làm 1, 2 ngày cho một hội chợ nào đó. Tuy nhiên, đây không thể được gọi là freelance. Vậy freelance là gì?
Freelancer đòi hỏi nhiều hơn như thế, có nghĩa là làm bạn sẽ làm một dự án nhất định. Xong dự án này thì thôi. Doanh nghiệp bỏ tiền ra làm một dự án chỉ trong 2, 3 tháng vì thế họ cần freelancer. Doanh nghiệp không thể trả lương thuê nhân viên chính thức mà chỉ cần người làm những dự án trong 2, 3 tháng.
Phải có rất nhiều cam kết và bảo mật, có những dự án không cần điều đó. Những người có thể ngay lập tức làm công việc đó trong thời gian ngắn.
Đối với công ty khi tuyển dụng freelancer thì người đó phải có thể làm việc được ngay, không thể mất thời gian ngồi giải thích phải làm thế này thế kia. Họ cần người đó gấp và họ chắc người đó sẽ làm tốt, họ không chấp nhận rủi ro người đó có thể làm được hay không làm được. Nói chung doanh nghiệp cần freelancer mang tính ngắn hạn, gấp và phải đáp ứng công việc ngay.
Chuyên gia ĐẶNG TRẦN LÊ VŨ: Vũ đồng ý với chị Ngọc là công việc freelance không phải là việc làm thêm. Công việc này nó thể hiện sở thích nhiều hơn. Bạn có đủ năng lực để làm công việc chính và làm thêm một công việc theo sở thích. Công việc đến từ những mối quan hệ mà người ta hiểu rõ khả năng, sở thích của mình. Khi người ta hiểu rõ, người ta sẽ biết công việc đó thực sự phù hợp với bạn hay không mà tìm đến bạn.
Vì sao lúc nãy Vũ nói các bạn nên tham gia các mạng xã hội và thể hiện mình, đó là vì trong công việc có thể bạn không thể hiện hết cá tính của mình, điều bạn có thể làm trên mạng xã hội.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Thực ra khái niệm này là khái niệm quốc tế. Ở Việt Nam chưa phổ biến, thuật ngữ pháp lý cũng chưa đưa vào. Chúng ta chỉ biết khi đi làm cần thỏa thuận như thế nào cho phù hợp. Ví dụ xác định công việc dưới 3 tháng hay trên 3 tháng. Nếu trên 3 tháng mình có quyền yêu cầu doanh nghiệp đóng bảo hiểm hoặc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho mình. Khi rủi ro thì sẽ thế nào, khi có tranh chấp thì sao…
Một bạn khác hỏi: "Công ty tôi thường xuyên thuê người làm việc chỉ 2 tiếng/ngày với thời gian có thể trên 3 tháng. Vậy tôi phải đối xử với lao động như người làm thời vụ hay phải theo luật đối với công việc trên 3 tháng?"
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Luật quy định khi bạn sử dụng lao động trên 3 tháng thì bạn phải đóng bảo hiểm cho họ, đảm bảo mọi quyền lợi cho họ, còn về thời gian làm việc một ngày 2, 3 hay bao nhiêu tiếng đó là thỏa thuận của bạn. Có thể có người ký hợp đồng dài hạn mà không thỏa thuận thời gian mà chỉ chú trọng kết quả công việc.
Chuyên gia THANH NGỌC: Các yếu tố cần thiết để làm freelancer?
Có ba tố chất doanh nghiệp cần ở freelancer:
- Thứ nhất, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng freelancer chỉ trong thời gian ngắn và gấp. Vì thế, freelancer cần phải đáp ứng công việc ngay. Đó là yếu tố cần thiết đầu tiên.
- Thứ hai là tác phong làm việc là điều rất quan trọng với freelancer, vì làm việc trong thời gian ngắn nên tác phong làm việc của freelancer phải chuyên nghiệp.
- Thứ ba là uy tín của bạn. Bạn phải làm mọi cách phải hoàn thành công việc đó. Doanh nghiệp thường rất dị ứng với những lời xin lỗi của freelancer khi không thể hoàn thành công việc đúng hạn.
Doanh nghiệp cần một người mang lại niềm tin cho họ. Họ tin rằng nếu tạo được niềm tin thì freelancer sẽ hoàn thành tốt công việc đó. Để làm được công việc đó thì phải xây dựng được thương hiệu cá nhân cho riêng mình. Thương hiệu cá nhân là cách người ta nhìn nhận về bạn. Bạn phải tạo dựng được niềm tin của doanh nghiệp, khi đó bạn sẽ tạo được thương hiệu cá nhân.
Bạn LAN ANH, sinh viên đại học năm 2: "Điều kiện để có thể trở thành freelancer? Và kinh nghiệm bản thân của anh Lê Vũ trong quá trình làm freelancer."
Chuyên gia ĐẶNG TRẦN LÊ VŨ : Vũ thấy nên để chị Ngọc chia sẻ về thái độ của người đi làm freelancer. Vũ muốn chia sẻ với các bạn một điều, đó là nhà tuyển dụng chỉ quan tâm mình làm được việc hay không. Mình muốn làm gì, năng lực của mình đến đâu.
Hồi đó Vũ thất tình, sau đó viết blog chia sẻ đủ thứ. Một hôm có người gọi đến hỏi thông tin cá nhân và công việc nó đến rất bất ngờ. Rõ ràng những gì mình làm, những tính cách, chia sẻ của mình đều được thể hiện ra bên ngoài. Khi người ta cần tìm người ta sẽ tìm được.
Trước nay các công việc của Vũ đều do nhà tuyển dụng tìm đến. Khi mình thể hiện được bản thân, biết mình đang đứng ở đâu. Thường ít khi nào cọc đi tìm trâu đúng không? Nhưng khi mình thể hiện được năng lực bản thân, khiến cho người tuyển dụng cảm nhận được mình phù hợp với công việc họ cần thì họ sẽ tìm mọi cách liên lạc với mình.
Chuyên gia THANH NGỌC: Cách để tuyển dụng một freelancer: Cần phải nhắc lại rằng, khi có dự án gấp và cần làm được ngay thì mới cần freelancer.
Để tuyển dụng freelaner chúng ta cần phải:
- Dựa này các mối quan hệ để tìm người đáp ứng được nhu cầu của công việc.
- Vào blog hay trang facebook để tìm người phù hợp với công việc, dự án đó. Chính các bạn cũng có thể dùng blog hay facebook để giới thiệu khả năng của mình đến nhà tuyển dụng.
Một bạn trẻ hỏi: "Hai cá nhân thỏa thuận công việc qua chat Yahoo Messenger và Skype, sau đó có tranh chấp khi công việc kết thúc. Vậy các nội dung trao đổi trên Yahoo và Skype có thể trở thành chứng cứ pháp lý hay không?"
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: "Những cái đó chắc chắn là chứng cứ. Nhưng chứng cứ đó có bảo vệ quyền lợi cho hai bên hay không, điều này còn phụ thuộc vào mối quan hệ của hai bên và nội dung các cuộc trao đổi."
Freelancer chính hiệu hỏi: "Mình đi làm freelancer, nhưng doanh nghiệp thường đòi hỏi mã số thuế. Khi mình không có mã số thuế thì doanh nghiệp trừ tiền. Như vậy có đúng luật hay không?"
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Nếu doanh nghiệp trừ tiền vì không có mã số thuế là sai. Doanh nghiệp phải yêu cầu cá nhân đăng ký và cung cấp mã số thuế. Thường doanh nghiệp sẽ giữ lại 10% tiền lương nên các bạn đừng thắc mắc nếu gặp trường hợp này vì luật quy định như vậy.
Cũng là 1 Freelancer Việt Nam thứ thiệt hỏi tiếp: "Tôi là một freelancer thường tham gia trang web rất nổi tiếng về freelancer. Tôi có đăng một job trên trang web đó. Cho tôi hỏi làm sao để doanh nghiệp biết đến mình khi trên trang web đó có rất nhiều job gây chú ý khác?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Làm sao lấy được job đó? Cái cốt lõi để bạn có thể lấy được job đó chỉ có thể xuất phát tứ nội tại, từ cá nhân của bạn. Chỉ có bạn làm được không ai có thể giúp. Bạn phải tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, làm sao để nhà tuyển dụng tin rằng bạn có thể làm tốt công việc đó.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao sự thành thật, bạn biết mình đang ở đâu, mình có khả năng làm gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình. Chỉ cần bạn tự tin và biết rõ khả năng của mình, bạn sẽ không khó thuyết phục được doanh nghiệp tuyển dụng mình.
Một bạn khác hỏi: "Khi mình tham gia cộng đồng freelancer, nếu mình không có mối quan hệ, làm sao mình có thể lấy được dự án? Mình có liên hệ qua PM box nhưng rất ít người trả lời lại là có đồng ý nhận hay không? Nếu mình không có bất cứ gì để chứng minh năng lực trên mạng thì làm sao để họ chấp nhận mình?"
Chuyên gia ĐẶNG TRẦN LÊ VŨ: Theo kinh nghiệm riêng của Vũ thì mình chỉ cần thể hiện được năng lực của mình (trên profile, trên hồ sơ và các chứng cứ bạn cung cấp). Sau đó bạn liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Việc tuyển dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự phù hợp giữa công việc và con người, con người và con người…
Một bạn trẻ thắc mắc: "Em có chuyên môn về phần mềm web development. Làm cách nào em có thể để gây sự chú ý đến doanh nghiệp?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Rất đơn giản, em chỉ cần làm một website cá nhân rồi show cho nhà tuyển dụng xem và cho nhà tuyển dụng biết đây là những mẫu thiết kế cho chính tôi làm. Em thiết kế trang cá nhân thật bắt mắt thì sẽ dễ thuyết phục và gây sự chú ý đến nhà tuyển dụng.
Một bạn trẻ hỏi: "Trong quá trình đàm phán với nhà tuyển dụng, nếu ý tưởng tôi đưa ra quá hấp dẫn nên nhà tuyển dụng nổi lòng tham và lấy luôn ý tưởng đó. Vậy thì tôi có thể kiện nhà tuyển dụng đó không để đòi quyền lợi?"
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: Luật quy định khi một người có ý tưởng và cảm thấy ý tưởng có giá trị thì nên đi đăng ký bản quyền. Phí đăng ký rất rẻ và thủ tục rất đơn giản.
Trong trường hợp giải quyết hậu quả, người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh rằng đó là tài sản của mình. Có thể các tài liệu còn lưu lại hoặc người làm chứng chứng minh được mình có ý tưởng đó trước người kia. Nhiều khi tiện miệng nói ra ý tưởng, người ta thấy hay và lấy ý tưởng của mình đem đi bán thì mình không thể làm gì được vì không có chứng cứ gì.
Chuyên gia THANH NGỌC trao đổi thêm: Đa số nhà tuyển dụng ban đầu đã biết rất rõ về dự án sắp trước khi họ lên kế hoạch tuyển một freelancer. Khi nhà tuyển dụng đi phỏng vấn, bạn có thể rất sợ mất ý tưởng của mình. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn có cách để bảo vệ ý tưởng.
Mỗi có nhân của chúng ta khi đối diện với một vấn đế nào đó thì chúng ta cũng có rất nhiều ý tưởng. Cái chính là chúng ta phải làm sao để biến các ý tưởng thành sự thật và ý tưởng đó phải thật hiệu quả.
Ai có thể làm được cái ý tưởng đó mới là vấn đề. Có rất nhiều con đường để đi đến mục tiêu của mình. Vậy bạn phải làm sao? Khi bạn trình bày ý tưởng với nhà tuyển dụng, luôn luôn có bước để làm. Có những cách trình bày không ai có thể lấy được ý tưởng của mình cả.
Đầu tiên bạn trình bày một bức tranh chung, không đi vào cụ thể để nhà tuyển dụng có thể lấy được ý tưởng của bạn. Khi nhà tuyển dụng thích ý tưởng của bạn họ sẽ tuyển dụng bạn hoặc họ có thể mua lại ý tưởng của bạn.
Cốt lõi của vấn đề là bạn phải chứng minh mình có thể làm được cái ý tưởng đó tốt hơn là để chính nhà tuyển dụng làm. Làm được những việc đó bạn sẽ không lo ngại bị mất ý tưởng hoặc doanh nghiệp quỵt tiền mình nữa.
Một bạn trẻ hỏi: "Em đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu của em là muốn làm một người quản lý. Em muốn một việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho em sau này. Em có thể tìm được việc gì?"
Chuyên gia THANH NGỌC: Tôi muốn kể về chuyện tìm việc khi tôi mới ra trường. Tôi học ở ĐH Ngoại thương. Ngày ra trường job đầu tiên của tôi là công việc trợ lý kinh doanh xuất nhập khẩu của một công ty chuyên về xuất nhập khẩu. Ban đầu công việc khá tốt, nhưng khi đụng đến vấn đề chứng từ xuất nhập khẩu thì có vần đề. Vì là sinh viên mới ra trường chỉ quen với lý thuyết nên khi gặp công việc thực tế thì bị tắc.
Lúc đó thật sự tôi rất hoang mang vì mình không hiểu gì chứng từ xuất nhập khẩu. Cuối cùng tôi xin nghỉ việc và sau đó xin làm ở hãng tàu 3 tháng không lãnh lương. Tôi xin được trực tiếp ra cảng để làm việc với chứng từ. Một chị ở công ty không hiểu vì sao tôi lại xin ra cảng trực tiếp làm việc, vì làm việc ở cảng rất cực nhọc.
Sau 3 tháng, tôi học hết các vấn đề xuất nhập khẩu và biết rõ chứng từ xuất nhập khẩu là thế nào. Sau đó tôi đi xin làm công việc quản lý ở một công ty khác chuyên về xuất nhập khẩu. Vấn đề ở đây là mình phải hiểu và làm mọi cách để tìm hiểu và biết rõ về công việc đó thì mới có thể làm việc tốt được. Sau đó tôi aply vào vị trí sale manager.
Bạn học năm 2, chuyên môn bạn chưa đủ để làm quản lý. Cái cần là bạn cần học những cái nhỏ nhất. Để làm người giám đốc kinh doanh bạn phải là người bán hàng tốt.
Sinh viên mình có cái việc nhỏ không muốn làm, việc lớn thì làm không xong.
Nếu bạn muốn trải nghiệm việc kinh doanh thì công việc đầu tiên của bạn phải xuất phát từ công việc nhỏ nhất, cụ thể ở đây là bán hàng. Bạn phải hiểu từ những việc nhỏ nhất đến việc lớn và từ từ đó bạn mới phát triển lên.