Bà và mẹ mình thường bảo con gái sau khi đi học ra trường nên tìm kiếm 1 công việc ổn định để có nền tảng cho việc lập gia đình. Thế nhưng một đứa con gái cứng đầu như tôi sau khi ra trường ở nước ngoài với 1 tấm bằng cũng có thể coi là ‘tạm được’ lại không đi làm việc ở 1 công ty ở bển hay về Việt Nam đầu quân full-time cho 1 công ty nước ngoài, mà quyết định theo đuổi con đường nghề nghiệp Freelancer – làm việc tự do bất cứ lúc nào và nơi đâu. Tại sao? Và tại sao không? Trong bài viết dưới đây, mình đã tổng kết lại những lí do vì sao các bạn KHÔNG nên làm công việc freelance khi còn quá trẻ.
Thu nhập không ổn định
Một trong những điểm bất cập đầu tiên của công việc Freelancer là thu nhập bất ổn. Có những tháng nếu bạn có nhiều khách hàng thì thu nhập sẽ cao chót vót, còn tháng nào hẻo thì đành ăn mì tôm uống nước cho da đẹp và thôi ngay mấy khoản đi cafe bar pub với chúng bạn đi nhé. Công việc freelancer cũng đòi hỏi bạn phải đi lại nhiều – đi gặp bạn bè, khách hàng, sự kiện,… Điều này đồng nghĩa với chi tiêu nhiều nên việc quản lý tài chính chăc chắn sẽ gặp bất lợi.
Nhưng nếu cho mình lựa chọn giữa thu nhập đều đều hàng tháng và những mối làm ăn freelance có nhiều tiềm năng, thì đương nhiên cái thứ 2 vẫn hấp dẫn hơn. Công việc văn phòng đầu tiên mình làm khi ra trường có mức lương trung bình 500k/ngày – tương đương với việc cắm mặt vào bàn giấy 7-8 tiếng/ngày. Trong khi mức giá mỗi bài viết được trả của mình vào thời điểm tương đương cũng có mức tối thiểu như vậy. Thời gian để viết 1 bài rơi vào khoảng 1-2 tiếng. Nếu là mình bạn sẽ chọn cái nào? Đương nhiên là bỏ 1-2 tiếng/ngày để viết bài rồi!
Bạn sẽ chán ghét công việc văn phòng cứng nhắc
Hồi trước khi còn đi làm văn phòng, hầu như sáng nào mình cũng đến công ty trong tình trạng mệt mỏi và chán nản, không phải vì ghét bỏ công việc mà vì mình ghét dậy sớm. Bản chất nghề nghiệp content marketing đòi hỏi viết lách, sáng tạo và cập nhật xu hướng thị trường liên tục như mình đòi hỏi một không gian làm việc cực kỳ năng động và sáng tạo? 4 bức tường đáp ứng được điều này? Đương nhiên là không!
Còn chưa kể đi làm văn phòng đồng nghĩa với việc phải dậy sớm trang điểm, diện những bộ váy điệu đà sang trọng phòng trừ trường hợp đối tác hoặc khách hàng tới đây! Với đống phấn dày cộm trên mặt và bộ váy chật ních trên người, làm sao mình có thể phiêu ra những trang tuyệt bút đây??? Ai cũng có cho mình 1 khung thời gian trong ngày cảm thấy ‘dồi dào’ nhất, mà đối với mình là vào buổi chiều tối. Đây là thời gian lí tưởng nhất để viết bài và chạy các chiến dịch marketing trên mạng xã hội. Và đây cũng là thời điểm giờ làm việc văn phòng kết thúc…
“BẠN CÓ THỂ SÁNG TẠO KHI LÀM VIỆC TRONG 4 BỨC TƯỜNG & TRANG PHỤC CÔNG SỞ?”
Công việc lúc nào cũng trong tình trạng quá tải
Làm freelancer đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ hết việc! Khi mới bắt đầu, bạn sẽ vô cùng khí thế, lao đầu vào làm việc ngày đêm kiếm tiềm. Khách hàng là nguồn cung vô tận. Chỉ cần có tiền, có thời gian, có kĩ năng là có thể kiếm tiền vô hạn! Đây cũng là một trong những điều mình thích khi làm freelance – luôn cảm thấy bận rộn và có ích. Mình học được cách sắp xếp công việc sao cho khoa học và cân bằng.
“KHÁCH HÀNG LÀ NGUỒN CUNG VÔ TẬN!
CHỈ CẦN CÓ TIỀN, THỜI GIAN & KĨ NĂNG LÀ CÓ THỂ KIẾM TIỀN VÔ HẠN”
Thời gian biểu bị đảo lộn
Bạn sẽ có một thời gian biểu không giống ai. Sẽ có những trường hợp trong lúc người ta đi làm thì bạn đi du lịch, lúc người ta nghỉ ngơi ngày lễ thì bạn đi làm, và tương tự. Điều này trái lại đối với mình lại hết sức lí tưởng vì đi du lịch vào mùa thấp điểm và lúc vắng người mới là thời gian tuyệt vời nhất để tận hưởng trọn vẹn điểm đến.
Vì không ai kiểm soát nên bạn sẽ phải tự đặt ra deadline cho mình, tự lên lịch trình làm việc trong ngày, trong tuần, trong tháng cho mình và quan trọng nhất là phải đa di năng. Khách hàng sẽ chỉ quan tâm đến kết quả công việc. Đối với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sắp xếp công việc và tự giác làm việc thì đây quả là trở ngại lớn. Còn đối với mình, riêng bản thân là đứa workaholic – mê việc yêu việc đến quên ăn nhưng không quên ngủ, thì động lực làm việc không thiếu. Và điều quan trọng nữa là mình không phải nghe lệnh sếp nào cả! Mọi quyết định đều nằm trong tầm tay, đương nhiên cũng phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
“THẾ NHƯNG, KHÁCH HÀNG NÀO CŨNG CÓ THỂ THƯƠNG LƯỢNG, CÒN SẾP THÌ KHÔNG!”
Bị ý kiến vì đi du lịch quá nhiều
Lúc nào bạn bè ở văn phòng cũng thấy bạn đang up ảnh sống ảo vivu ở trên Facebook, và có khi gia đình còn tưởng bạn vẫn lông bông thất nghiệp. Người khác phàn nàn vì bạn đi chơi quá nhiều nghĩa là họ đang ghen tỵ với lối sống của bạn đó!
Kết luận lại, bạn có nên làm 1 freelancer ở tuổi đời còn trẻ?
Mình nghĩ là không nên, trước khi làm được những điều sau:
1. Xác định rõ ràng quyết tâm theo đuổi con đường làm việc tự do
2. Xác định rõ ràng sở trường và những kĩ năng mình đang có
3. Có một khoản thu nhập và tiết kiệm ổn
4. Có 1 network rộng với các công ty ở thuộc vị trí và thị trường của bạn.
Còn nếu bạn vẫn quyết tâm làm 1 Freelancer, dưới đây là danh sách những trang web phổ biến nhất để tìm việc mình đã tổng hợp lại để giúp các bạn có được hành trang tốt nhất, cùng nhau phát triển cộng đồng Freelancer ở Việt Nam:
FreelancerViet – kết nối doanh nghiệp và freelancer – bất kỳ việc gì, bất kể nơi đâu
Workaway – offer nhiều công việc ở các khách sạn, hostel, homestay, guesthouse, vila, farm trên thế giới (ngắn hạn)
Upwork – một trong những trang tìm việc freelance lớn nhất thế giới, tương đối phổ biến đối với writer
Aiesec – trang kết nối các công ty và tổ chức với sinh viên có nhu cầu tìm công việc thực tập ở nước ngoài
Vietnamwork – trang tìm việc lớn nhất ở Việt Nam, ở đây cũng có những công việc freelance
Ybox – trang thông tin của giới trẻ, có list luôn job offer gồm các công việc tình nguyện, chương trình hoạt động xã hội ngắn hạn ở nước ngoài là chủ yếu
Aupair – các chươg trình sống cùng gia đình ở nước ngoài để phụ giúp việc trông trẻ, việc nhà trong khi tìm hiểu văn hoá và học ngôn ngữ
“TRẢI NGHIỆM PHONG CÁCH SỐNG VỪA VIVU VỪA LÀM VIỆC CÙNG CỘNG ĐỒNG FREELANCERVIET”
Nguồn: Thanh Hương