Bởi vì tôi có khả năng viết thiên phú, tôi có thể truyền tải tất cả cảm xúc dạt dào của tôi tới độc giả.Không, là dân IT nói riêng hay dân kĩ thuật nói chung, chắc hẳn đa số các bạn đã quen thuộc với cái mác tẻ nhạt, đơn điệu mà mọi người gán cho. Là người trong cuộc tôi không phản đối chân lí này, so với các ngành nghề khác thì ngành này chán ngắt hơn thật. Thành thật thì tôi “tự tin” rằng điểm yếu của tôi là viết. Cứ mỗi lần tham gia hoạt động nhóm nào, tôi lại nói mình không có khả năng và lảng tránh việc viết lách. Còn điểm số môn văn thì không bao giờ vượt quá 7, đôi lúc cầm điểm 5 trên tay là đã mỉm cười mãn nguyện rồi. Cũng vì thế, tôi nhận ra nghệ thuật không thích tôi, một phần nguyên nhân khiến tôi dấn thân vào ngành IT với những dòng “code vô hồn“. Nếu không thì giờ tôi đang nhâm nhi ly cafe cùng những chiếc bánh quy thơm lừng ở góc nhỏ dưới chân tháp Eiffel và cho ra những tác phẩm văn học kinh điển rồi cũng nên. Đùa thôi, tôi vẫn thích những dòng “code vô hồn” kia hơn. Tôi không thể thích một thứ không thích tôi.
Vậy điều gì khiến tôi cố gắng thay đổi cái vỏ tẻ nhạt để quyết định viết blog ?
Cuối năm 1, khi phải trình bày đồ án cho giáo viên phụ trách, tôi không tài nào diễn tả được đồ án của tôi đã sử dụng những gì, có những gì, và công sức tôi bỏ ra để làm như thế nào? Cô giáo nghĩ rằng tôi copy source, tôi tức lắm nhưng không giải thích được. Cái cảm giác tôi hiểu rất kĩ nhưng không thể nào diễn tả. Để dễ hình dung, bạn yêu một cô gái, bạn rất hiểu trái tim mình, bạn muốn nói cho cô ấy biết bạn yêu cô ấy như thế nào nhưng không thể nói được, để rồi cô ấy nghĩ bạn không yêu cô ấy, cô ấy bỏ bạn, bạn chỉ có thể làm bạn với những dòng “code vô hồn“, dễ hiểu hơn rồi nhỉ.
Một trích dẫn của Einstein mà tôi rất thích:
”If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough”
Tôi thay đổi nhiều mục tiêu cho năm tới và bắt đầu tìm hiểu về cách viết blog, cách xây dựng trang web,… Nguồn cảm hứng lớn nhất tôi tìm được là từ bài viết của anh Hoàng. Không có thành công nào là không có sự hi sinh, tạm biệt 4k rank dota2, tạm biệt Michael Scofield.
Những ngày đầu làm blog
Blog này tôi sẽ tập trung viết về các kĩ thuật trong công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm ( tôi nói chung chung vì vẫn chưa xác định sẽ thực sự chọn ngôn ngữ, platform nào để theo đuổi ) và những vấn đề liên quan ( review sách, các khía cạnh khác trong lập trình,… ). Tôi sẽ cố gắng cho ra những bài viết chất lượng nhất và 2 tuần 1 bài viết.
Viết blog mất gì và được gì?
Mất thời gian. Tôi hay có thói quen xem phim và chơi game vào ban đêm. Từ khi bắt đầu tìm hiểu và viết blog thì tôi chỉ còn xem phim thôi.
Mất nhiều đấy vậy được gì?
Cải thiện khả năng viết lách.
Tôi viết lại bài viết này được 3 lần rồi. Lúc đầu tôi viết củ chuối lắm. Nhờ sự kèm cặp của một bạn nữ chuyên văn, những góp ý không thể tiêu cực hơn của một bạn nữ đặc biệt khác, và tôi cứ viết liên tục, viết đi, viết lại thì giờ đỡ hơn tí rồi.
Giúp đỡ mọi người.
Tôi vẫn nhớ như in những đêm thức qua giờ tý canh ba để làm đồ án hay bài tập. Bạn bè đứa thì ngủ, đứa xem phim, đứa chơi game, tôi thì loay hoay tìm hiểu trên mạng đủ nơi. Những lúc đó nếu không có những bài viết chia sẻ kiến thức của các IT blogger khác thì đời tôi không biết dạt nơi nào rồi.
Thật ra, khi viết blog, tôi cũng ngại lắm, vì trình độ cũng gà nhưng chưa thử thì chưa biết. Nếu chịu khó đầu tư thời gian để viết thì tôi tin mọi người vẫn học được ít nhiều từ bạn. Như Bill-Nye có nói:
“Everyone you will ever meet knows something you don’t”.
Học được nhiều điều mới, rèn luyện khả năng tự học.
Từ lúc làm blog, tôi biết thêm khá nhiều về web như HTML, CSS ,host, domain, cách chỉnh theme, plugin,… Và tất cả mọi thứ đó đều từ tự học, tự tìm tòi mà ra. Hơn thế nữa, khi tôi viết về một chủ đề thì tôi sẽ search các vấn đề liên quan, nhờ đó biết thêm cả tá kiến thức mới. Một mũi tên trúng nhiều đích phải không nào?
Nắm vững kiến thức và kiểm chứng những gì đã học.
Vì vẫn chưa có nhiều bài viết về kĩ thuật nên tôi không thực sự cảm nhận và giải thích kĩ được. Lúc mới đọc chap 1 của CLEAN CODE, cảm giác mơ hồ lắm, nhưng từ khi viết bài Đặt tên như thế nào cho chuẩn “clean code”? thì tôi có thể vận dụng để viết “code sạch” vào đồ án team của mình. Bởi vì khi trình bày sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn ,kĩ hơn và thấm hơn. Tôi tin sẽ không có chuyện tôi không thể trình bày ý tưởng, công trình của mình nếu tôi duy trì thói quen viết Blog.
Giúp suy nghĩ tốt hơn, kĩ lưỡng hơn?
Để cho ra được 2 bài viết, tôi phải suy nghĩ đề tài,xây dựng sắp xếp dàn ý, tìm hiểu nhiều và sâu hơn, viết xong thì phải đọc và kiểm tra lỗi. Blog như “đứa con tinh thần“ của tôi vậy, mà dạy con thì phải dạy từ thuở còn non, nên tôi phải sàng lọc rất kĩ mới dám publish bài viết.
Ở trên là những lợi ích mà tôi nhận được từ việc viết blog, còn những lợi ích khác như cải thiện khả năng chém gió, tạo một cv xin việc tốt, nổi tiếng, có nhiều bạn bè, kiếm tiền ,… thì tôi không đề cập tới. Bởi vì tôi chưa có những trải nghiệm đó.
Lời khuyên.
Các bạn nên có một blog IT. Nếu lo sợ không biết viết gì, đừng lo, xem đoạn chatlog ở trên, tôi cũng từng rơi vào trường hợp đó, nhưng rồi cũng có thôi. Anh Hoàng có khuyên nếu không có ý tưởng cứ viết về những điều mình vừa học trên trường, hay một kiến thức thú vị mình vừa biết.
Nếu bạn sợ rằng kiến thức, chia sẻ của mình không hoàn hảo, có nhiều chỗ sai, sẽ bị mọi người ném đá. Không sao cả, những độc giả đó sẽ như những “người thầy ngoài đời” chỉ cho bạn chỗ sai để cải thiện nhận lại kiến thức đúng đắn hơn.
Có rất nhiều trang web hướng dẫn tạo blog miễn phí và đơn giản. Tôi có tổng hợp một số cách làm blog trong link đây. Đùa thôi, các bạn có thể sử dụng wordpress, blogspot hoặc jekyll,…
Nguồn: Techtalk via Hứa Trung Blog