Tiếp nối phần 1 https://freelancerviet.vn/blog-ky-nang/ky-nang-mem/25-loi-khuyen-cho-mot-freelancer-thanh-cong-ki-1.html,
cùng freelancer.vn tìm hiểu thêm những lời khuyên bổ ích dành cho công việc nào…
11. Tiết kiệm cho thời kỳ khó khăn
Hiện tại, có thể doanh nghiệp bạn đang kinh doanh tốt và có lãi cao, nhưng tương lai là điều không ai có thể biết trước. Là một freelancer, bạn dễ dàng bị tác động bởi các yếu tố trên thị trường. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy để lại một chút thu nhập mỗi tháng và gửi nó vào một tài khoản tiết kiệm. Nó sẽ là một tấm bùa cho các tình huống bất ngờ xảy ra. Thật đáng xấu hổ nếu chỉ vì một vài hóa đơn nhỏ mà tình hình tài chính công ty gặp vấn đề.
12. Hãy sáng tạo
Hãy sáng tạo mọi lúc mọi nơi, cuộc sống luôn luôn có rất nhiều cơ hội cho bạn sáng tạo. Bạn có thể sáng tạo trong việc thu hút các khách hàng mới, trong quản lý thời gian, trong việc cải thiện không gian làm việc. Ví dụ, bạn có thể nâng cấp chiếc máy tính cũ của bạn nếu như bạn chưa có đủ tiền mua cái mới, cải thiện lại không gian làm việc nếu như tài chính của bạn không cho phép thuê một văn phòng khác. Bạn cũng có thể bổ sung thêm các dịch vụ hoặc sản phẩm mới vào danh sách hiện tại, hoặc hỏi bạn bè, người thân của bạn xem có ai cần dịch vụ, sản phẩm mà bạn đang cung cấp không. Sự lựa chọn luôn có rất nhiều, điều quan trọng là bạn phải đủ sáng tạo, hãy để cho trí tưởng tượng của bạn bay ra khỏi lồng kính.
13. Thưởng cho các khách hàng trung thành
Thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, vậy phải làm sao để các khách hàng của bạn quay lại lần thứ 2, lần thứ 3? Thái độ thân thiện và dịch vụ sau bán hàng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, bạn có thể suy nghĩ thêm về việc chiết khấu, hoặc các phần thưởng đặc biệt cho khách hàng khi họ quay lại lần nữa. Hãy suy nghĩ mọi cách có thể, đưa nó vào chiến lược kinh doanh và thực hiện một cách thận trọng. Đảm bảo lòng trung thành của khách hàng là chìa khóa cho sự tồn tại của một doanh nghiệp.
14. Hãy đối xử với khách hàng như thể anh ta là khách hàng duy nhất
Để đảm bảo sự trung thành của một khách hàng bạn phải luôn chú ý tới thái độ phục vụ. Nếu một khách hàng cảm thấy anh ta có đủ sự quan tâm khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của bạn, anh ta có thể quay lại với bạn nhiều lần hơn. Hãy sử dụng ngôn từ tích cực khi nói chuyện hoặc viết thư, và đừng ngại thể hiện rằng bạn sẵn sàng phục vụ họ cho tới khi họ hài lòng với sản phẩm/dịch vụ nhận được. Bạn hãy cho anh ta biết rằng những phản hồi của anh ta được đánh giá cao. Làm kinh doanh, bạn đừng bao giờ quên rằng các khách hàng hiện tại là quảng cáo sống tốt nhất mà bạn có được.
15. Tập trung khi đang làm việc
Nếu bạn đã lên kế hoạch sẽ làm việc trong khoảng thời gian 8 – 16 h hàng ngày thì hãy thực hiện theo đúng kế hoạch. Các công việc lặt vặt, kiểm tra hộp thư cá nhân, nghe điện thoại riêng trong giờ làm việc đều ảnh hưởng tới chất lượng công việc, bởi chúng ăn bớt thời gian làm việc của bạn. Hãy tự hứa với bản thân chỉ làm điều này ngoài giờ làm việc, trước hoặc sau giờ làm, hoặc vào thời gian nghỉ trưa. Sẽ có người cho rằng làm việc cá nhân trong giờ làm việc không ảnh hưởng gì tới chất lượng công việc, tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến một ngày làm việc lộn xộn của các freelancer khi họ không quản lý quỹ thời gian hiệu quả.
16. Biết khi nào nên bắt đầu và khi nào nên kết thúc
Khi làm việc thì bạn nên thực sự tập trung vào công việc, tuy nhiên, bạn cần đảm bảo thời gian bắt đầu và kết thúc công việc. Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phát triển ổn định, bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc làm thêm giờ. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo bản thân mình có đủ thời gian giải trí. Tâm lý thoải mái và tinh thần thư giãn sẽ giúp cho hiệu suất lao động tăng lên, công việc được hoàn thành tốt kể cả về chất lượng lẫn số lượng.
17. Quản lý tài chính hiệu quả
Quản lý tài chính hiệu quả – khái niệm nghe có vẻ không dễ thực hiện, tuy nhiên bạn vẫn có thể làm được, miễn là bạn để mắt tới nó thường xuyên. Dù doanh nghiệp của bạn to hay nhỏ, bạn đều có thể gặp rắc rối mỗi năm một tới hai lần liên quan tới thời hạn thanh toán và hạch toán kế toán. Bạn phải luôn cập nhất thông tin khi thanh toán hóa đơn, khi gửi hóa đơn cho khách hàng và chuẩn bị các khoản ngân sách hàng tháng. Điều này không chỉ làm công việc rà soát cuối năm đơn giản hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thời gian sửa chữa các sai lầm.
18. Hít thở thật sâu
Hãy hít thở thật sâu và quan tâm hơn tới bản thân mình. Là một freelancer, bạn có thể có một hoặc hai chiếc máy tính, máy quay hoặc các công cụ khác, nhưng công cụ quan trong nhất lại là chính bản thân bạn. Hãy dành thời gian cho bản thân, bạn bè và gia đình ngay cả kho bạn có lịch làm việc bận rộn.
19. Đôi khi đi ra ngoài (đặc biệt là nếu bạn làm việc trong nhà)
Nếu bạn thường xuyên làm việc trong nhà, hãy đi ra ngoài và tận hưởng bầu không khí thoáng đãng. Hãy hẹn gặp đối tác kinh doanh trong các bữa ăn trưa, xách máy tính lên thư viện hoặc một quán cà phê nào đó. Sự thay đổi không gian làm việc sẽ cải thiện tinh thần và làm tăng sức sáng tạo của bạn.
20. Tạo ra một chuỗi cảm hứng
Từng ngày trôi qua, những thành công và thất bại sẽ đến rồi lại đi, sẽ có những ngày bạn cần lấy cảm hứng để làm việc. Hãy giữ bên mình một vật gì đó có thể nhắc nhở bạn lý do tại sao bạn lại làm việc – chuỗi cảm hứng của riêng bạn. Hình ảnh của những đứa con, một kỳ nghỉ đáng mong đợi, một chiếc xe bạn đang muốn sở hữu kèm theo những câu trích dẫn hoặc bất cứ điều gì có thể thôi thúc bạn làm việc. Hãy nhìn vào nó mỗi khi cảm xúc bạn tuột dốc hoặc chỉ đơn giản là bạn cần một lý do nào đó để tiếp tục công việc.
21. Hãy khiêm tốn
Không ai tự nhiên đã là một chuyên gia, một nhà vô địch. Nếu con đường của bạn thuận lợi và bạn có thể dễ dàng đạt được mọi thứ, bạn có thể sẽ trở lên cao ngạo. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới hình tượng, uy tín cũng như chất lượng công việc của bạn. Hãy luôn tự nhủ bản thân phải khiêm tốn, lắng nghe ý kiến khách hàng. Bạn có thể đưa ra ý kiến chuyên môn cho khách hàng, nhưng hãy luôn nhớ rằng, chính khách hàng mới là người trả tiền cho bạn. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thân để lắng nghe những lời khuyên từ các đồng nghiệp, từ những người có nhiều kinh nghiệm.
22. Tỏ ra chuyên nghiệp bằng mọi cách có thể
Bạn có logo, website, và mọi thứ đang bắt đầu khá thuận lợi, nhưng chỉ thế là chưa đủ. Bạn cần phải luôn trau dồi bản thân mình. Khi đi gặp khách hàng, bạn phải có thái độ tôn trọng khách hàng, trang phục phải đảm bảo lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh. Tự làm ông chủ của mình không có nghĩa là bạn có thể tự do nói hay hành động những gì bạn muốn.
23. Yêu cầu thông tin phản hồi
Website của bạn nên có các thông tin phản hồi. Bạn có thể nhờ bạn bè và người thân trong gia đình viết lại phản hồi cho bạn trên web. Và mỗi khi hoàn thành xong một dự án, bạn nên yêu cầu khách hàng viết lại ý kiến phản hồi cho bạn. Đây là cách thức tuyệt vời để cải thiện bản thân và là cơ hội để bạn phát triển hơn nữa.
24. Luôn mang theo notebook
Nó có thể là một cuốn sổ tay, một chiếc smartphone, hay bất cứ thứ gì khác mà bạn có thể luôn mang theo, vì nhiều lý do mà bạn dùng nó để ghi chép (bất ngờ gặp một khách hàng tiềm năng, hoặc tự dưng nảy sinh ý tưởng giá trị khi đang ở trên xe bus, máy bay…). Nhiều lần tôi đã có những ý tưởng tuyệt vời nhưng không có notebook, tôi đã quên nó đi, và một thời gian sau tôi thấy nó được sử dụng ở nơi khác.
25. Dành đủ thời gian cho công việc
Điều này vô cùng quan trọng nhưng nó lại không thường xuyên được đề cập tới. Tương tự như học nói KHÔNG, khi có một dự án, bạn cần đảm bảo có đủ thời gian để hoàn thành nó với chất lượng tốt nhất. Sau khi dự án được bàn giao, các khách hàng có thể đánh giá tốt hoặc xấu về bạn. Họ chính là nhân chứng tốt nhất để tham khảo. Không ai muốn làm việc với một freelancer bỏ dở công việc giữa chừng.
Trên đây là một vài lời khuyên cho những bạn trẻ theo đuổi nghề nghiệp freelancer. Chúc các bạn thành công trong công việc của mình.
<Bài dịch nguồn nước ngoài, bản quyền dịch thuộc về freelancerviet.vn. Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép bài viết này>