Các freelancer thiết kế web luôn gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh bởi đặc tính kĩ thuật và sáng tạo cao của nghề cũng như yêu cầu của các khách hàng. Điểm khác biệt giữa freelancer chuyên nghiệp và freelancer không chuyên chính là kĩ năng chuyên môn, tuy nhiên, đó không phải là yếu tố đánh giá 100% khả năng của freelancer mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra vài mẹo để các freelancer tham khảo cho một tương lai làm không hết việc:
1.Kết quả rất quan trọng
Để thực sự gây ấn tượng với khách hàng, kết quả chính là yếu tố hàng đầu ăn điểm tuyệt đối. Không ai có thể từ chối một trang web lung linh, chuyên nghiệp, cách bài trí các đề mục bắt mắt mà vẫn khoa học, dễ nhìn, dễ truy cập, đặc biệt là trực tiếp đẩy doanh thu tăng vọt. Và tất nhiên người được lợi đằng sau thành quả đó không ai khác chính là cha đẻ của chúng – các freelancer. Hãy dành thời gian tìm hiểu khách hàng của mình và nắm bắt rõ xu hướng thị trường, sau vài dự án béo bở, các freelancer sẽ dắt túi được kha khá xèng cũng như kinh nghiệm làm việc để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất.
2. Tập trung vào khoảng thời gian đầu
Nếu bạn đang loay hoay không thể thoát khỏi mê cung câu hỏi làm sao để tăng giá trị bản thân trong mắt các khách hàng, đừng quên giai đoạn đầu của mỗi dự án là giai đoạn vô cùng quan trọng, ví dụ như làm wireframe hay moodboard, tâm lý người làm việc thường rất hào hứng và nhiệt huyết mỗi khi mới bắt đầu công việc, và đừng bao giờ kết bạn với khái niệm “nước rút”, bởi khi đó bạn sẽ phải vắt chân lên cổ mà chạy deadline, và tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý để rồi cho ra thành quả không như mong đợi.
Một dự án được đầu tư chu đáo và tỉ mẩn ngay từ những giây phút “ẵm ngửa” sẽ có kết quả tốt hơn rất nhiều với những “cây non” không được nắn từ bé.
3.Kinh nghiệm quý báu
Kinh nghiệm tích lũy được qua từng dự án sẽ là bước đệm lý tưởng cho các dự án tương lai. Mỗi dự án yêu cầu của các khách hàng sẽ khác nhau và kinh nghiệm của các designer cũng theo đó mà phong phú đa dạng hơn. Đương nhiên ai mà chẳng muốn design theo những khuôn mẫu có sẵn, theo một frame website nhất định, bởi sẽ giảm tải rất nhiều áp lực công việc, tuy nhiên những dự án như vậy lại không hề mang tính thử thách đối với các web developer bởi những thuật code nhai đi nhai lại, bởi những style cũ kĩ mòn lối,…Vì vậy, các web designing freelancer đừng ngại trước những dự án khó nhằn, đừng khó chịu khi khách hàng đưa ra các yêu cầu phức tạp, hãy coi đó như những bài học không phấn không bảng, như những kinh nghiệm quý giá mà trường lớp không hề dạy bạn.
4.Trau dồi khả năng và kĩ năng
Một trong những yếu tố hiển nhiên của một freelancer tài năng chính là năng lực của anh ta. Rõ ràng không có năng lực thật sự anh sẽ chẳng nhận được bất kì lời đề nghị hợp tác nào, hoặc nếu có thì khách hàng cũng sẽ một đi không trở lại. Ngoài ra, công việc thiết kế web ảnh hưởng rất nhiều từ mức độ phủ sóng như vũ bão của công nghệ thông tin ngày nay cũng như các thành tựu khoa học kĩ thuật trên thế giới, chính vì thế, không ngừng học hỏi để bắt kịp với các trào lưu công nghệ chính là đặc điểm tiên quyết mà mỗi web designer cần phải có. Anh giỏi nhưng anh không chịu cập nhật và trau dồi tri thức, ắt sẽ bị đào thải khỏi guồng quay freelancer không bao giờ ngừng nghỉ. Không những thế, các dự án béo bở, những lời đề nghị như rót mật có nằm mơ anh cũng chả dám nghĩ đến.
5. Am hiểu SEO
SEO là công cụ không thể thiếu của các web designer trong các dự án thiết kế web. Đối với các doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh online, cuộc chiến giành vị trí cao trên bảng xếp hạng của các công cụ tìm kiếm là điều vô cùng quan trọng. Mọi người đang tìm kiếm hàng ngày và hẫu hết chỉ nhìn vào trang kết quả đầu tiên. Vì thế nếu như một khách hàng đang đi tìm sản phẩm của công ty mà bạn nhận design web, và công ty đó vô tình bị xếp ở trang thứ hai, sẽ ít có khả năng khách hàng ghé thăm trang web của họ. Và như vậy SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) ra đời. Công việc của các freelancer là làm thế nào để trang web của khách hàng sẽ xếp thứ nhất trong kết quả tìm kiếm của Google. Theo ý kiến cá nhân của tôi, điều cơ bản các freelancer cần biết chính là hướng đến xây dựng một trang web tìm kiếm thân thiện, dễ tìm, nên chú trọng vào cấu trúc của trang web như tiêu đề các đề mục, các tag, code hay vị trí và cách sắp xếp nội dung. Một số freelancer chỉ tập trung vào các dịch vụ ngoài lề như sáng tạo nội dung ra sao hay xây dựng đường link sao cho dễ truy cập là điều không hoàn toàn khả dụng.
Tóm lại, để tăng giá trị dịch vụ mà bạn mang đến cho khách hàng, các freelancer phải đặt bài toán SEO lên trên tất thảy.
6. Nhiều lựa chọn để bảo trì wesite
Hầu hết các khách hàng mỗi khi tìm đến các web designer đều quan tâm đến khâu bảo trì trang web. Giống như sức khỏe của bản thân, ai cũng đặt vấn đề cứu chữa lên hàng đầu mỗi khi có vấn đề về sức khỏe. Thiết kế một trang web đã khó, bảo trì và sửa chữa còn khó hơn. Bởi các trục trặc kĩ thuật của mỗi trang web là khác nhau, đòi hỏi người làm phải thật chuyên nghiệp và đủ chuyên môn để giải quyết. Để tạo được mạng lưới khách hàng thân quen ngày càng rộng lớn, các freelancer nên đưa ra nhiều gói dịch vụ bảo trì và sửa chữ trang web với các mức giá hợp lý sao cho đôi bên cùng có lợi.
7.Học hỏi người trong nghề
Nhiều freelancer có thể cho rằng đây không phải lời khuyên hữu ích bởi chả có người trong nghề nào dại gì đi hợp tác với nhau để làm việc. Nhưng bạn sai lầm rồi đấy. Nhiều dự án có khối lượng công việc cực lớn, như xây dựng website cho ngân hàng nhà nước hay cho bộ máy chính phủ, đương nhiên một người không thể ba đầu sáu tay ôm hết mọi việc mà phải có một team chuyên phụ trách riêng, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm rất nhiều thời gian.
8.Xây dựng thương hiệu cá nhân
Hình ảnh cá nhân là bộ mặt của một freelancer rồi nên tôi không nói nhiều về vấn đề này nữa, nhất là đối với các web designer, một list kinh nghiệm cũng như thành tích đạt được luôn là hành trang bất li thân đấy nhé.
9.Nhận dạng cái tên
Cái tên của freelancer cũng tương tự giá trị thương hiệu cá nhân. Một cái tên dễ nhớ hay một cái tên dài ngoằng, tên Việt hay tên ngoại, đều không là vấn đề một khi tiếng tăm của freelancer đã bay cao bay xa. Anh chàng Alexander hay Alex đều dễ dàng được mọi người biết đến nếu anh ta là một tay sừng sỏ trong giới web design. Có rất nhiều cách để đánh bóng cái tên của mình, như:
- Viết blog: cả trước kia lẫn hiện tại và tương lai, blog vẫn chưa bao giờ hết hot và các blogger cũng chưa bao giờ sợ “chìm”
- Sử dụng Twitter: rất nhiều designer đặc biệt là web designer đều có một tài khoản Twitter của riêng của mình và dễ dàng xây dựng được một mạng lưới follower khủng.
- Tận dụng tối đa CSS: Không có CSS bạn sẽ chẳng thể thiết lập định dạng và bố cục cho website. Vậy tội gì mà không tận dụng nó cơ chứ.
- Hợp tác với các tên tuổi lớn: Một tip nhỏ mà hữu ích cho các web designer là hãy liên hệ hợp tác với các lão làng ngành thiết kế web để học hỏi cũng như “hưởng ké” danh tiếng của họ.
- Viết sách: Hiển nhiên, các khách hàng sẽ tìm đến những web designer có bề dày thành tích như thiết kế nhiều trang we hay đơn giản là có nhiều tác phẩm được xuất bản thành sách. Chưa cần biết chất lượng quyển sách ra sao nhưng cứ thấy tên tác giả là lòng tin của khách hàng được nâng cao đáng kể.
10.Đừng quên dịch vụ chăm sóc khách hàng
Đứng trên khía cạnh khách hàng, họ rất coi trọng chất lượng dịch vụ mà họ nhận được không khác gì so với chất lượng công việc mà họ sẽ nhận lại. Vì vậy, thay vì chúi mũi vào làm việc, hãy nhớ khách hàng là thượng đế, mà thương đế luôn phải được chăm sóc quan tâm chu đáo. Hãy make up cho dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn bằng những gói dịch vụ ưu đãi như tặng kèm thiết bị điện tử hoặc miễn phí phí bảo trì trang web trong 3 tháng đầu,…
11.Lựa chọn công cụ phù hợp
Công việc của các web designer luôn gắn liền với các phần mềm, thuật code và không phải công cụ nào cũng hiệu quả. Vậy nên các freelancer web design phải nghiên cứu và tìm hiểu thật kĩ trước khi bắt đầu mỗi dự án nhằm tránh sử dụng sai các công cụ vào các mục đích khác nhau, gây chậm tiến độ hoặc giảm sút chất lượng dự án.
12. Sử dụng hệ thống quản lý nội dung riêng
Bạn chẳng thể nào nhớ xuể các trang web đã từng thiết kế, chính vì vậy để dễ dàng quản lý trang chủ cũng như bảo trì sửa chữa, hãy lập cho mình một CMS riêng. Không chỉ giúp các freelancer dễ dàng quản lý chỉnh sửa nội dung mà còn giúp tiết kiệm khá lớn chi phí xây dựng website, khiến các khách hàng rất hài lòng và uy tín của freelancer cũng theo đó tăng lên.
13.Không nên ôm đồm
Nếu muốn tăng giá trị các dịch vụ mà bạn đang cung cấp cho khách hàng, hãy cố gắng tập trung cao độ nhất có thể vào từng dự án, và đừng nhận quá nhiều dự án một lúc để tránh bị ảnh hưởng, xao nhãng và nhầm lẫn giữa các dự án với nhau. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng và khối lượng công việc của từng dự án bạn tham gia. Hãy nhớ, không nhận quá nhiều và tập trung cao độ.
14.Vài thứ râu ria
Để các gói dịch vụ phát triển toàn diện, hãy quan tâm đến các thứ ngoài lề khác nữa như Google Analytics ( công cụ đo lường hiệu quả hoạt động marketing online). Hãy gợi ý cho khách hàng về các dịch vụ này như cài đặt một hệ thống hoặc plugin để backup các dữ liệu quan trọng cũng như hòm thư điện tử,…Có vẻ chả liên quan nhưng là một freelancer uy tín và chất lượng, lí gì lại bỏ qua vấn đề này đúng không?
(Dịch từ design.ag)
Bản quyền thuộc về FreelancerViet.vn. Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng lại nội dung này.