Nếu bạn không ưa thích những công việc cố định, gắn mình trong một tập thể công ty mà muốn thoả sức vẫy vùng tự do và đang chân ướt chân ráo làm việc với vai trò của một freelancer thì hãy đọc bài viết dưới đây.
Những bước xây dựng portfolio
Khi bạn đi xin việc, CV là một trong những chìa khoá để bạn ứng tuyển thành công. Một CV thông minh và mạch lạc giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn khách quan về con người bạn và bước đầu đánh giá khả năng của bạn. Khi bạn làm việc cho một công ty, CV đã quan trọng là vậy thì khi khởi nghiệp với vai trò là một freelancer, CV và portfolio thậm chí còn quan trọng hơn. Nếu không tự xây dựng “thương hiệu” cho bản thân, sẽ chẳng ai biết đến mà tìm đến bạn.
Nếu muốn xây dựng cho mình một portfolio hoàn hảo, bạn phải trải qua những công việc với mức lương thấp và thậm chí là làm không công cho đến khi bạn đủ kinh nghiệm, cũng như kiến thức để đạt được mức lương như mong muốn. Bởi vậy, khi mới khởi nghiệp, đừng quá nôn nóng hay vội từ chối các cơ hội rèn luyện khả năng của mình, dù là nhỏ nhất.
Kinh nghiệm để bạn có một portfolio hoàn hảo:
Giúp đỡ gia đình, bạn bè với những kĩ năng chuyên môn của bạn
Liệt kê vào portfolio những dự án bạn đã thực hiện
Liên hệ và cộng tác với các tổ chức phi lợi nhuận
Tìm hiểu những khoá học, chương trình được tổ chức bởi những nhân vật “có máu mặt” trong lĩnh vực bạn quan tâm.
Không ngừng luyện tập các kĩ năng của bạn
Bạn có quyền tự “chào bán” chính mình, tại sao không bán một cách thông minh?
Thời điểm bạn có được những kinh nghiệm trong nghề và portfolio đã dần dày lên trông thấy thì cũng là lúc bạn có khả năng yêu cầu một mức lương cao hơn. Nhất là khi người ta có thể tìm ra vô vàn thứ sẵn có trên internet nên nếu như bạn vẫn còn đang trong quá trình xây dựng portfolio hay chỉ làm cho vui, vì cảm hứng và đam mê, còn không, đừng bao giờ dành quá nhiều cống hiến và thời gian của mình đổi lấy những đồng tiền lẻ.
Bí kíp cho bạn:
Hãy tự quyết định mình xứng đáng nhận được bao nhiêu trong một tiếng làm việc.
Giá cả phải đưa ra dựa trên nhu cầu của khách hàng
Dám khẳng định những ý tưởng độc đáo, có lý và riêng biệt của bạn.
Chỉ nhận job khi mà bạn cảm thấy thật sự tự tin và có thể hoàn thành nó trong khoảng thời gian hợp lý. Hãy đừng đắn đo khi từ chối các đầu việc khiến bạn không còn thời gian để cho ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, trong một khoảng thời gian ngắn và đặc biệt là, được thoả sức sáng tạo, có dấu ấn cá nhân của bạn.
Hãy để chính khách hàng cũ giới thiệu bạn là ai
Khách hàng dĩ nhiên chính là người chi trả thu nhập cho bạn nên việc giữ mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài với họ kể cả sau khi dự án kết thúc là điều vô cùng cần thiết và nên làm.
Chính vì tính chất tự do của một freelancer cho bạn điều kiện được toàn quyền “thai nghén” sản phẩm của mình nhưng bạn đừng vì thế mà quên đi tạo “khung” làm việc cho chính mình. Bạn có thể là một “nghệ sĩ” tự do nhưng hãy chứng minh mình có 2 chữ: chuyên nghiệp.
– Hãy thường xuyên chủ động liên lạc với khách hàng, xuyên suốt quá trình thực hiện dự án. Trả lời kịp thời và đầy đủ qua điện thoại, email cũng là sự thể hiện bạn đang nghiêm túc thực hiện công việc với khách hàng.
– Gửi cho khách hàng một bản nháp trước khi tung ra sản phẩm cuối cùng.
– Chịu trách nhiệm chỉnh sửa dự án của mình để làm khách hàng hài lòng.
– Luôn yêu cầu nhận xét từ phía khách hàng, kể cả khi họ đã chấp nhận sản phẩm của bạn. Bạn không nên mặc định rằng khách hàng không có phản hồi gì thêm nghĩa là công việc của bạn đã kết thúc và bạn không còn mối liên hệ nào với họ. Những nhận xét tích cực và gợi ý hợp lý của khách hàng sẽ khiến bạn tiến bộ hơn và khích lệ chính mình. Đó còn là công cụ tuyệt vời để bạn nâng tầm giá trị bản thân trên các phương tiện truyền thông cá nhân. Tất nhiên, đừng quên hỏi ý kiến của khách hàng trước khi công khai lời khen và danh tính của họ nhé!
Nguồn: Hoàng Anh