Press "Enter" to skip to content

Đường vào nghề freelance và những trái đắng đầu đời

Freelancer là người làm công việc tự do. Trong giới lập trình những anh em nào làm Freelancer là những anh em có khả năng tự lập rất tốt, tiếng Anh cũng tốt. Đôi khi có chút liều lĩnh, thích tự do, không gò bó. Dưới đây là bài viết của một freelancer Việt Nam Đức NTQ kể về những kinh nghiệm học được trong thời gian làm freelancer. Với những kiến thức bổ ích và giọng văn hóm hỉnh, bài viết này chắc hẳn sẽ mang lại cho các thành viên của FreelancerViet những kinh nghiệm quý báu trong công cuộc "bán đấu giá" bản thân

"Làm freelancer khác hẳn với làm employee cho một công ty nào đó, kể cả tư nhân lẫn quốc doanh, trong nước lẫn ngoài nước. Trong bài viết sẽ chỉ đề cập đến trang làm việc freelance của nước ngoài"

Bắt đầu khó khăn

Thực sự thì hoàn cảnh thúc ép mình phải làm freelancer. Cách đây 2 tháng, mình có dự định chuyển vào Nam sinh sống và làm việc, vì không muốn ảnh hưởng đến dự án lớn của công ty mình đang làm hiện tại, thế nên mình chủ động xin nghỉ, và làm online cho một công ty của Úc, có công ty con ở VN. Nhưng vấn đề ở chỗ, cuối tháng 9, đầu tháng 10, họ nhận thấy làm việc online không hiệu quả, và mặc dù mình đã chủ động nói từ đầu là mình chưa có kinh nghiệm làm Angular, và cũng chưa có kinh nghiệm quản lý, nhưng họ một mực cho mình ngừng thử việc vì 2 lý do: performance kém, và quản lý kém (mặc dù mình đã nói từ đầu là kinh nghiệm quản lý kém). Tình hình cấp bách, thế nên chỉ còn một con đường là làm freelancer để kiếm tiền chi trả cho chuyến Nam tiến này.

Bắt đầu freelancer có lẽ là một thử thách với bất cứ ai làm coding. Tại sao? Khi bid một dự án trên website việc freelance, ngoài profile đẹp và một cái proposal letter, người thuê (employer) sẽ nhìn vào 3 tham số quan trọng để đánh giá ứng viên:

  1. Rating và Review/Feedback.
  2. Earning.
  3. Completion Rate.

Cả 3 tham số trên đều quan trọng. Lúc đầu mình nghĩ Rating và Review/Feedback là quan trọng nhất, ai có 5 sao là ổn. Nhưng sau khi làm một dự án fake (tự mình tạo, tự mình hire mình), thì mình nhận ra một điều là: earning và completion rate mới là thứ quan trọng nhất. Cho dù bạn có 3 sao, hay 5 sao đi nữa, thì bạn vẫn không được xếp lên đầu danh sách ứng viên cho dự án nếu không có earning cao. Mà đã không kiếm được dự án nào để làm thì sao mà có earning được.

Chiến thắng dành cho kẻ kiên nhẫn

Những ngày đầu tiên dài dằng dặc, mình liên tục bid, liên tục check dự án, xem cái nào làm được thì bid. Nhưng có vẻ như nữ thần may mắn không mỉm cười với mình. Sau 5 ngày kiên trì, cuối cùng mình cũng kiếm được một dự án nhỏ: sửa lại HTML/CSS cho một forum chạy vbb. Cảm giác ban đầu thật là sung sướng, sảng khoái. Nhưng rồi bắt đầu làm mình cảm thấy “có phải mình đang bán rẻ sức lao động”. Nhưng cuối cùng thì mình cũng hoàn thành được dự án sau 6 tiếng từ khi bắt đầu. Sau khi kết thúc dự án, mình còn có dịch vụ hậu mãi cho khách hàng là hỗ trợ thêm banner mới cho 1 tháng tiếp theo.

Nhưng những ngày sau đó mình lại không kiếm thêm được một dự án nào. Vậy thì phải thay đổi chiến thuật:

  1. Bid vào những odd job (công việc lạ).
  2. Bid vào những project có ít budget (ít tiền).
  3. Đọc kỹ job description, và có nói về description trong proposal letter của mình.
  4. Undersell dịch vụ của mình: hạ thấp giá so với mặt bằng chung, chịu thiệt khi làm dự án.
  5. Trả lời thật nhanh khi employer liên lạc.
  6. Hỗ trợ hậu mãi.
  7. Walk the extra mile: làm thêm công việc kể cả không có trong job description hoặc thỏa thuận ban đầu.

Áp dụng chiến thuật trên, mình kiếm được thêm 3 dự án nữa. Tất cả đều được mình hỗ trợ hết khả năng, đều làm những yêu cầu mà không có trong thỏa thuận ban đầu. Và tất cả khách hàng đều hài lòng.

Mỗi một khách hàng hài lòng là một cơ hội trong tương lai

Mỗi một khách hàng hài lòng là một cơ hội trong tương lai

Đúng vậy, mỗi một khách hàng hài lòng là một cơ hội trong tương lai. Tại sao vậy?

  1. Một khi họ hài lòng, nếu có việc, họ sẽ lại muốn chất lượng dịch vụ tương đương.
  2. Khi họ hài lòng, họ sẽ tin tưởng bạn, họ sẽ cho bạn password vào web panel, ssh, etc. Và khi đó, họ sẽ ngại khi phải đưa cho một người khác, vì nguy cơ lộ password và mất dữ liệu.

Hiện tại mình đã phục vụ được khoảng gần 10 khách hàng, trong đó có 4 khách hàng sử dụng lại dịch vụ của mình. Một khách hàng người Ả rập thậm chí còn chờ mình 1-2 tuần để mình giải quyết xong công việc hiện tại, để làm cho họ. Một khách hàng người Úc cứ mỗi lần script của họ có vấn đề, họ lại nhờ mình, và vì sửa nhỏ, mình ko lấy tiền, và cái mình được lại là một cơ hội làm việc trong tương lai.

capture2

Vậy cảm giác làm freelancer là như nào

Làm freelancer là một dạng làm ông chủ của bản thân mình. Bạn cần kỹ năng sale, vì bạn đang đi bán dịch vụ. Bạn cần kỹ năng giao tiếp, vì bạn phải giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Bạn cần kỹ năng chăm sóc khách hàng, vì nếu họ không vui, họ sẽ không trả tiền. Bạn cần kỹ năng quản lý thời gian, vì muốn kiếm được nhiều tiền, bạn phải làm được nhiều việc. Bạn không được ngại công việc, vì nếu ngại công việc thì sẽ không có gì mà làm.

Nếu như làm dự án, sản phẩm ở các công ty, bạn cứ tằng tằng mà làm, cuối tháng nhận lương, rồi sẽ đến lúc bạn cảm thấy chán vì công việc quá vô vị. Thì từ khi làm freelancer, mình cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Sáng sớm dậy đều đặn 7h, chỉ riêng việc nghĩ đến không phải tham gia rat race (tức là đi từ nhà đến công ty), không phải hít khói bụi, là đã vui lắm rồi. Làm việc năng suất hơn vì tập trung vào công việc, ít phải lo bị soi mói. Con người thấy khỏe khoắn hơn vì nghỉ ngơi thoải mái, bất cứ lúc nào mình muốn. Tối mình ngủ ngon hơn vì không phải lo lắng nghĩ xem công việc ngày mai giải quyết như nào.

Thực sự thì mình rất thích thú làm freelancer, và mình cũng mong muốn phát triển sự nghiệp theo hướng này.

Nhưng làm freelancer cũng có nhiều vấn đề. Đầu tiên là cảm giác lo lắng, bấp bênh khi không kiếm được việc; hoặc lo lắng ngày mai không kiếm được việc. Rồi lo lắng không hoàn thành được công việc. Và thỉnh thoảng cũng bị employer thúc ép tiến độ. Nhưng tất cả những nhược điểm này đều có thể dễ dàng vượt qua được, chỉ cần bạn thực sự quyết tâm và yêu thích việc trở thành một freelancer.

 

Đức NTQ