Có kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, giao tiếp tốt và kèm theo đó Anh văn lưu loát, năng động, tự tin… là những yêu cầu rất chung và thường thấy ở các nhà tuyển dụng khi tìm kiếm nhân viên cho bộ phận marketing. Nhưng liệu những thông tin như thế có đủ để họ có được một nhân viên đúng yêu cầu?
Marketing – một lĩnh vực khá tổng quát và hội tụ nhiều yếu tố để làm nên một thương hiệu. Chính vì thế nhân viên cho bộ phận marketing cũng rất đa dạng: nhân viên chiến lược marketing, nhân viên sáng tạo, nhân viên PR, nhân viên tổ chức sự kiện, copywriter… Mỗi vị trí đều cần những ứng viên có tố chất riêng thích hợp. Đôi khi các nhà tuyển dụng cũng rất mơ hồ khi mong muốn tìm kiếm một nhân sự marketing, họ chỉ cần biết phải bổ sung lực lượng marketing hòng tìm ra hướng đi cho sản phẩm hoặc thương hiệu. Sự mơ hồ đó đã làm…
Không ít nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc mất nhiều thời gian để tìm thấy được điểm chung. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nhà tuyển dụng phải biết mình cần những gì và các ứng viên phải biết mình có thể làm gì
Mỗi nghề một tố chất
Như đã nêu ở trên, bộ phận marketing chứa đựng nhiều vị trí khác nhau. Tạp chí Marketing ViệtNam xin đưa ra một số yêu cầu cơ bản cho mỗi công việc marketing riêng biệt để bạn đọc tham khảo.
– Nhân viên chiến lược marketing (strategy): khả năng phân tích, suy luận logic, khả năng phán đoán, sự sáng tạo…
– Nhân viên PR: khả năng giao tiếp, sự nhạy cảm, khả năng truyền đạt, khả năng thuyết phục…
– Nhân viên tổ chức sự kiện: năng động, nhanh nhạy, khả năng xử lý và giải quyết vấn đề tức thời, khả năng làm việc tập thể…
– Nhân viên sáng tạo (creative): có thể không cần bằng cấp, nhưng phải có cá tính, thậm chí hơi khác người.
– Giám đốc marketing: ngoài những kỹ năng tổng hợp cần thiết cho các vị trí marketing, giám đốc marketing còn phải là người có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát và đặc biệt phải có một khả năng không liên quan đến marketing – cân đối nguồn ngân sách hiện có với chiến lược marketing thực thi.
Phát hiện tố chất
Thông thường khi có nhu cầu về nhân sự, các nhà tuyển dụng thường áp dụng nhiều phương thức như: thi trắc nghiệm, thi chuyên môn, thi ngoại ngữ, phỏng vấn trực tiếp… Tuy nhiên với vị trí marketing, phỏng vấn chính là phương thức phổ biến nhất để tìm hiểu và xác định các tố chất tiềm năng của ứng viên.
Theo Giám đốc marketing của hệ thống tuyển dụng: “Phỏng vấn dưới dạng đặt ra các lựa chọn để ứng viên thể hiện cách tư duy là hình thức phổ biến để các nhà tuyển dụng tuyển lựa được ứng viên phù hợp, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, nhạy bén như marketing. Qua cuộc trò chuyện trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm hiểu cá tính và năng lực của ứng viên. Mặc dù các bài kiểm tra trắc nghiệm hoàn chỉnh cũng thể hiện được phần nào tính cách của ứng viên, nhưng với đặc thù của công việc marketing mà trong đó yếu tố sáng tạo và nhanh nhạy là ưu tiên hàng đầu thì chỉ có thể đánh giá được chính xác ứng viên qua các tình huống cụ thể ngay trong buổi phỏng vấn.”
Vì thế, để một ứng viên marketing có thể được lựa chọn sẽ có từ ba đến bốn cuộc phỏng vấn trực tiếp được thực hiện. Tùy vào vị trí tuyển dụng, sẽ có những cuộc nói chuyện với HR manager (Giám đốc nhân sự), PR manager, Strategy manager (Giám đốc chiến lược)… với những “chặng” phổ biến:
Vòng 1: Tìm hiểu chung về ứng viên, kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản…
Vòng 2: Đi sâu tìm hiểu những khả năng thích ứng với từng công việc.
Vòng 3: Khảo sát tính cách ứng viên, đối chiếu với môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Khai thác tố chất
Mỗi buổi phỏng vấn là một cuộc nói chuyện hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt với vị trí công việc là nhân viên marketing, ứng viên khó có thể lường trước những tình huống sẽ đặt ra cho mình là gì. Với yêu cầu về tính sáng tạo, tư duy logic được đặt lên hàng đầu, buổi phỏng vấn nhân viên marketing thường được mở đường một cách ngẫu nhiên với những câu hỏi khá bâng quơ, chẳng hạn như: Bạn xem cái rèm cửa kia có hợp với căn phòng không? Cái cà vạt của tôi đã thích hợp với cái áo chưa? Bạn thấy bình hoa này như thế nào?… Tất cả đều rất bất ngờ để bắt đầu cho một cuộc nói chuyện suôn sẻ và cởi mở. Sẽ ít có không khí nặng nề khi phỏng vấn ứng viên marketing, vì hơn tất cả những vị trí khác, nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên bộc lộ càng nhiều càng tốt và như thế họ sẽ dễ dàng khai thác được những tố chất cần có cho công việc sau này.
– Nếu được lựa chọn giữa một cái áo sơ mi hiệu Prada trị giá vài triệu đồng và một chiếc sơ mi Việt Tiến 150.000 đồng và không phải trả tiền, bạn sẽ chọn cái nào?
– Tôi sẽ chọn cái Việt Tiến.
– Bạn không thích hàng hiệu?
– Có chứ, nhưng nó không phù hợp với tôi, ít nhất là tại thời điểm này. Nếu có một chiếc áo hàng hiệu đắt tiền, tôi sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn hơn thế để mua quần, giày và thắt lưng hàng hiệu cho đồng bộ. Nếu không, mọi người cũng sẽ nghĩ chiếc áo đó là hàng nhái. Với chiếc áo Việt Tiến, tôi có thể sử dụng cùng những chiếc quần và đôi giày tôi đang có.
Câu trả lời rất sắc sảo này đã ghi điểm quyết định, mang đến cho T.A vị trí Strategy Marketing Executive tại một công ty lớn kinh doanh hàng tiêu dùng của nước ngoài.
Một tình huống khác đặt ra cho Creative Director đã được H.H trả lời thuyết phục khiến ban giám đốc một công ty Anh quốc không hề ngần ngại giao việc cho cô ngay ngày hôm sau:
– Được biết, người Việt Nam nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, bạn hãy đưa ra một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần đó.
– Thông thường, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam được nhắc tới với hình ảnh khóm tre, bó đũa thể hiện số đông. Thế nhưng về phía tôi, đoàn kết không chỉ là co cụm lại với nhau mà đoàn kết là còn phải biết chia sẻ. Và hình tượng tôi chọn là bát nước mắm.
– Lý do nào khiến bạn nghĩ bát nước mắm là thể hiện sự đoàn kết?
– Trong bữa ăn ở phương Tây, mỗi người sẽ có một đĩa thức ăn với món ăn được sắp đặt sẵn khá riêng biệt. Còn ở các nước phương Đông như Trung Quốc và Việt Nam, trên bàn ăn thường có bát nước chấm chung và riêng ở Việt Nam, thứ nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn là nước mắm. Bát nước mắm chung ấy đã thể hiện rõ sự gắn bó, đồng thời biết chia sẻ của người Việt Nam.
Và một dẫn chứng nữa, tình huống đặt ra cho vị trí PR, nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi khá bất ngờ: Nếu được làm một con vật hay một loài cây, bạn sẽ chọn gì? Yêu cầu chung và thiết yếu của nhân viên PR là khả năng giao tiếp và làm việc với cộng đồng. Với lựa chọn làm con kiến, H.N đã làm hội đồng phỏng vấn bất ngờ nhưng thật sự bị thuyết phục. Không phải là hổ hay sư tử – những con vật biểu trưng cho sự thống trị nhưng không phải là tố chất cần thiết của PR, mà là kiến, con vật tuy nhỏ nhưng luôn đi kèm với nó là cả một đàn – hình ảnh của một cộng đồng thường xuyên giao tiếp và làm việc cùng nhau.
Những câu trả lời nhạy bén và logic như trên luôn là điều mà các nhà tuyển dụng mong muốn và quyết định sự thành công của nhân viên marketing trong cuộc phỏng vấn.
Khi nhu cầu là nhân viên marketing cấp cao
Tuy thế, với các vị trí quản trị cấp cao trong lĩnh vực marketing như CMO, BM…, việc tìm được một ứng viên theo đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng thực sự là một thách thức lớn. Nhà tuyển dụng sẽ khó có thể tự tìm được cho mình một ứng viên thích hợp và thông thường việc cần làm là sử dụng công ty săn đầu người thực hiện việc tìm kiếm. Các công ty săn đầu người sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm được đúng và chính xác vị trí có nhu cầu và dĩ nhiên với một mức chi phí khá lớn. Tuy nhiên, khi sử dụng công ty săn đầu người, việc tìm kiếm ứng viên phải được thực hiện chi tiết và kỹ lưỡng, ứng viên phải trải qua một quá trình sàng lọc gắt gao. Chuyên viên nhân sự của công ty săn đầu người sẽ tùy vào yêu cầu, quy mô của nhà tuyển dụng, mức lương có thể trả… để trực tiếp tìm và phỏng vấn từng người. Tố chất của các nhân viên marketing, cho những vị trí nhân sự cấp cao, qua các vòng phỏng vấn sẽ được chi tiết đến mức rõ nhất, thỏa mãn tối đa nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt hơn nữa, với các công ty săn đầu người, nhà tuyển dụng hầu như được “bảo hành” để có thể có được nhân viên ưng ý nhất.
Nhân tài marketing – Cung chưa đáp ứng được cầu
Marketing, dù mới xuất hiện tại Việt Nam chừng hơn một thập kỷ, đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất và thu hút rất nhiều lao động, những người muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội công việc thú vị, lương cao và nhiều thử thách.
Theo báo cáo, Marketing là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường lao động hiện nay và mặc dù nguồn cung cho lĩnh vực này tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao nhưng vẫn chưa thật sự có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này có thể do việc đào tạo marketing bài bản và chuyên nghiệp tại Việt Nam còn khá khan hiếm. Chủ yếu những nhân viên marketing được nâng cao trình độ thông qua việc thực hành trực tiếp tại các công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.
Hơn thế, marketing hiện nay đang trở thành một trào lưu, một xu hướng việc làm mới trong giới trẻ. Thế nhưng, việc nhìn nhận đúng nghĩa và tích lũy kiến thức cơ bản về marketing lại là điều không phải dễ dàng. Nhu cầu về một đội ngũ marketing chất lượng cao vẫn khó có thể được đáp ứng trong điều kiện hiện nay mặc dù nguồn cung cho những vị trí này ngày càng gia tăng.